Vụ trao nhầm con 42 năm: Có kết luật xét nghiệm ADN của người đầu tiên

Thứ Ba, 15/03/2016, 21:35
Kết quả xét nghiệm ADN đầu tiên cho thấy chị Trang không phải là con của ông Được. Báo CAND đã có danh sách những người phụ nữ sinh ngày 10-10-1974 tại Nhà hộ sinh Ba Đình và sẽ công bố vào thời điểm thích hợp.

Sau 4 ngày liền những người liên quan hồi hộp đến căng thẳng, cuối cùng, cũng đã có kết quả xét nghiệm AND của Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội vào gần trưa ngày 15-3-2016: Chị Tạ Thị Thu Trang (75 Quán Thánh, Hà Nội)- người phụ nữ bị trao nhầm cách đây 42 năm ở nhà hộ sinh (NHS) Ba Đình - không phải là con ông Đặng Thế Được (Gia Lâm, Hà Nội) - người đầu tiên tìm đến gia đình chị Trang để xét nghiệm ADN nhằm xác định cha mẹ đẻ của chị. Tuy nhiên, câu chuyện lại có những điều khá thú vị.

Chị Trang (bên phải ảnh) và em gái chị Dần – được gia đình cho là rất giống nhau.

Sau vài ngày thông tin về vụ trao nhầm con ở NHS Ba Đình của chị Trang được báo chí đăng tải, gây xôn xao dư luận, tối 12-3, chị Tạ Thị Thu Vân (chị gái chị Trang) đã nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ tên là Đặng Thị Dần, hỏi thăm việc gia đình chị Vân đang tìm một người con gái bị thất lạc.

Chị Dần cho biết chị quan tâm vì thấy mình có những thông tin trùng hợp với chị Trang khi cùng sinh ngày 10-10-1974, cùng tại NHS Ba Đình. Đặc biệt, qua ảnh trên báo chí, chị Dần thấy chị Trang rất giống với em gái mình. Nghe vậy, chị Vân hết sức vui mừng, liền đề nghị được đến thăm. Tuy nhiên, sáng hôm sau, chị Vân gọi và nhắn tin thì chị Dần không trả lời. Mãi chiều 13-3, chị Dần mới gọi lại và lập tức, gia đình chị Trang đã đến nhà chị Dần để gặp gỡ.

Chị Trang, em gái chị Dần, chị Dần và chị Vân (từ bên phải ảnh qua).

Sở dĩ, gia đình chị Dần chủ động tìm gặp gia đình chị Trang vì năm 1974, nhà bố mẹ chị Dần ở Gia Lâm, nhưng mẹ chị lại học ở Hà Nội nên đã sinh chị ở NHS Ba Đình vào 4h sáng ngày 10-10-1974.

Đến 8h sáng cùng ngày, tức chỉ sau 4 tiếng sinh con, mẹ chị Dần phải đi thi, nên đã gửi con cho bà ngoại trông nom và ngay sau đó, bà ngoại chị Dần bế cháu về thẳng Gia Lâm. Đó là lý do để gia đình chị Dần hoài nghi có thể xảy ra việc nhầm lẫn trẻ lúc mẹ chị không ở NHS. Cũng rất lạ là em gái chị Dần lại rất giống chị Trang. Vì thế, gia đình chị Dần khi thấy chị Trang đều đinh ninh chị là con ruột, thậm chí mấy người trong họ còn nói không cần phải xét nghiệm nữa. Song, cuối cùng, gia đình ông Được chủ động đề cập việc xét nghiệm ADN để đảm bảo sự khách quan.

Chị Trang và ông Đặng Văn Được. Ảnh do gia đình chị Trang cung cấp.
Chị Vân, anh Thành và chị Trang vẫn đầy hy vọng vào cuộc tìm kiếm phía trước cho khát vọng đoàn tụ Ảnh: Thanh Hằng.

Chị Trang kể: Khi đó chị Dần rất lo lắng và đã tâm sự, nếu thực sự chị Trang là con đẻ của ông Được thì chị Dần là con ai, khi chị thấy mình cũng không giống ai trong gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh? Suốt mấy ngày liền, chị Dần bồn chồn, lo lắng, khóc lóc bất an, khiến chồng con và gia đình phải an ủi rất nhiều. Biết chị Dần bị “sốc”, như mình từng bị “sốc” trước đây khi mới nghe tin, chị Trang lại phải động viên chị Dần: “Nếu phải Trang là con bố Được, thì dù Dần không phải con mẹ Hạnh, chúng ta vẫn có 2 gia đình.

Còn nếu xác suất cả 2 đều không phải là con của 2 gia đình thì chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm. Trang đã chịu đựng được nỗi đau ngần ấy năm tháng rồi, nên thấy Dần lo âu, Trang chỉ mong Dần vẫn là con của bố mẹ Dần, còn Trang sẽ tiếp tục đi tìm cho đến khi nào thấy bố mẹ mình!”

Vì rất sốt ruột nên lẽ ra tất cả sẽ đi xét nghiệm ADN vào ngày 15-3, nhưng chiều ngày 14-3, chị Dần và chị Trang đã đến Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội để làm xét nghiệm ADN giữa chị Dần với bà Nguyễn Thị Mai Hạnh.

Vì là trường hợp rất đặc biệt nên bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội, tuyên bố xét nghiệm miễn phí cho gia đình chị Trang đến khi nào tìm được người thân, đồng thời, tiến hành xét nghiệm ADN trong thời gian sớm nhất có thể.

Thế là chỉ sau 3 tiếng, kết quả xét nghiệm đã có: Chị Dần và bà Hạnh không phải là mẹ con. Điều này càng khiến chị Dần hoang mang... Ngay sau đó, cùng chiều 14-3, ông Đặng Văn Được đã chủ động đến Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội để xét nghiệm AND với chị Trang.

Đến sáng 15-3, ngay khi có kết quả, bà Nguyễn Thị Nga đã trực tiếp gọi điện báo tin cho chị Vân: Chị Trang không phải là con của ông bà Được, còn ông Được là cha con ruột của chị Dần! Kết quả này khiến chị Dần mừng đến  phát khóc khi đã trút được gánh nặng khiến mấy hôm nay chị mất ăn mất ngủ.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc liệu có xác suất sai trong xét nghiệm ADN hay không, khi chị Trang rất giống em gái chị Dần, bà Nguyễn Thị Nga khẳng định là không và cho biết thêm: Khi tiến hành xét nghiệm, tôi cũng rất lo cô Dần không phải là con ông Được. Nhưng kết quả lại là đúng nên tôi rất mừng. Nếu hôm qua ông bố cứ nhận cô Trang mà không xét nghiệm, thì cô Dần sẽ như thế nào? Kết quả giám định AND đã chứng minh, có những người nhìn bằng mắt thường rất giống nhau, nhưng lại không phải là con, còn những người không hề giống thì lại là con đẻ.

Công an quận Ba Đình đã và đang hết sức nhiệt tình trong việc giúp đỡ gia đình chị Trang tìm kiếm thông tin người thân. Ngoài việc sàng lọc, xác định danh sách những phụ nữ đã sinh tại NHS Ba Đình ngày 10-10-1974, Công an quận Ba Đình còn sẵn sàng xác minh, cung cấp thông tin, địa chỉ cư trú hiện nay của những người này để việc tìm kiếm, tiếp cận của gia đình chị Trang được thuận lợi nhất.

Hơn nữa, bằng các nguồn thông tin riêng, gia đình chị Trang cũng xác định được có người trong số những người sinh cùng ngày 10-10-1974  ở NHS Ba Đình có hình dạng khá giống những người trong gia đình bà Hạnh. Tiếc là họ lại chưa hợp tác.

Chị Trang cũng bày tỏ: Chị rất cảm ơn gia đình ông Được đã chủ động tìm đến gia đình chị để tìm cùng xét nghiệm ADN. Tấm lòng và sự dũng cảm của gia đình ông Được cho chị nuôi thêm niềm hy vọng vào sự tử tế ở trên đời, cũng như mong muốn rằng, sẽ có thêm nhiều người có các thông số trùng với chị sẽ hợp tác như gia đình ông Được, để chị sớm tìm được bố mẹ đẻ cũng như bà Hạnh sớm tìm được con ruột của mình.  

Hiện, Báo CAND đã có danh sách đầy đủ những người phụ nữ sinh ngày 10-10-1974 tại NHS Ba Đình cùng tên tuổi bố mẹ họ, tuy nhiên, chúng sẽ công bố danh sách này vào thời điểm thích hợp.

Sở Y tế Hà Nội lên tiếng về 2 vụ trao nhầm con trong quá khứ

Sau khi liên tiếp 2 vụ việc trao nhầm con trước đây ở Hà Nội được công bố, ngày 15-3, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội về 2 trường hợp  trên sau khi đã nghe Trung tâm Y tế (TTYT) quận Đống Đa và TTYT quận Ba Đình báo cáo quá trình tiếp nhận, giải quyết đề nghị của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Lê Thanh Hiền đồng thời đề xuất việc giúp bà Hạnh, chị Hiền tìm con đẻ và mẹ đẻ.

Trường hợp thứ nhất là ngày 13-5-2013 chị Lê Thị Thanh Hiền đến Nhà hộ sinh (NHS) Đống Đa đề nghị giúp tìm hiểu thông tin về mẹ của chị là bà Phạm Tuyết Hoa, sinh con tại NHS Đống Đa ngày 12-12-1987.

Theo chị Hiền, chị đi làm xét nghiệm AND khẳng định chị không phải là con đẻ của bà Phạm Tuyết Hoa. TTYT quận Đống Đa đã chỉ đạo NHS quận Đống Đa tìm lại hồ sơ, kết quả tra cứu từ sổ đẻ lưu thông tin: Sản phụ Phạm Tuyết Hoa, 25 tuổi ở tập thể Yên Lãng đã sinh con tại NHS Đống Đa lúc 4h35 phút ngày 12-12-1987, là 1 bé gái nặng 2,9kg. Ghi chép còn lưu từ ngày 8-12-1987 có 24 sản phụ đẻ.

TTYT quận Đống Đa đã hướng dẫn chị Hiền ký hợp đồng với Văn phòng luật sư để cung cấp danh sách 24 sản phụ đẻ trong thời gian trên và đề nghị các cán bộ y tế công tác tại NHS Đống Đa thời điểm tháng 12-1987 cung cấp thông tin nhưng vì đã 26 năm nên các cán bộ y tế công tác tại NHS không nhớ được, nên tháng 10-2014, TTYT Đống Đa đã thông báo cho chị Hiền kết quả tìm kiếm.

Trường hợp thứ 2 là ngày 20-10-2015, Sở Y tế nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, 64 tuổi (75 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngày 10-10-1974 bà sinh con gái tại NHS Ba Đình (ngõ Phan Huy Ích) và đã bị nhầm con. (Báo CAND đã có nhiều bài phản ánh về vụ việc này). Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo TTYT quận Ba Đình rà soát hồ sơ lưu trữ, liên hệ và tìm kiếm thông tin từ những cán bộ y tế làm việc tại NHS Ba Đình giai đoạn 1974-1975.

Nhưng do thời gian quá lâu, hồ sơ đã hết hạn lưu trữ và các cán bộ y tế công tác tại đây thời điểm đó không có thông tin nào liên quan. Ngày 10-3-2016, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội về trường hợp của bà Hạnh.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đây là 2 trường hợp hy hữu, xảy ra đã lâu, việc tìm thông tin rất khó khăn vì NHS Ba Đình không còn hồ sơ, NHS Đống Đa còn lưu sổ đẻ nhưng việc tìm thông tin về những bà mẹ sinh con trong cùng thời gian rất khó (do thay đổi nơi sinh sống), nếu tìm thấy cũng phải được họ hợp tác; cán bộ y tế làm việc tại NHS thời gian trước đã mất hoặc không nhớ thông tin gợi ý cho việc tìm kiếm. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục yêu cầu TTYT quận Ba Đình, Đống Đa tiếp tục rà soát hồ sơ lưu trữ, động viên cán bộ y tế thời kỳ đó nhớ lại thông tin liên quan về những trường hợp sinh đẻ cùng thời gian với bà Hạnh và mẹ chị Hiền.

Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Công an 2 quận Ba Đình và Đống Đa tra cứu thông tin từ hồ sơ lưu trữ về hộ tịch giúp bà Hạnh, chị Hiền trong quá trình tìm kiếm theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của bà Hạnh, chị Hiền nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền nhân thân của người khác.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 2 trường hợp trao nhầm con trên là những trường hợp rất hy hữu. Hiện tại, quy trình sinh đẻ tại các BV trên địa bàn Hà Nội được làm rất chặt chẽ, đảm bảo không có sự nhầm lẫn.

Thanh Hằng
.
.
.