Dồn điền đổi thửa không thể là phép cộng các mảnh đất manh mún

Thứ Hai, 12/10/2015, 08:51
Hà Nội đã thực hiện vượt mức công tác dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để công tác dồn điền đổi thửa không chỉ là phép cộng của các mảnh đất manh mún vẫn đang làm đau đầu lãnh đạo Thủ đô


Từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được trên 100% kế hoạch (76.540,66/76.281,57 ha). Sau DĐĐT, nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa. 

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao ra đời, như: Mô hình hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai với giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, thậm chí đạt gần 2 tỷ/ha/năm… 

Diện tích đất dôi dư sau DĐĐT (1.773,78 ha) tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp sau DĐĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể: Việc quy hoạch NTM, đặc biệt là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng chuyển đổi của các xã vùng bãi; việc chậm công bố quy hoạch đê điều gây ảnh hưởng đến quy hoạch NTM của các địa phương, trong đó có quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. 

Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT chậm; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013. Cơ quan chức năng cũng chậm ban hành các quy trình, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau DĐĐT; các tiêu chí cụ thể về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Từ thực tế này, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành TP, UBND các huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, coi trọng đối thoại trực tiếp, lắng nghe nguyện vọng và giải đáp thắc mắc, cùng với người dân bàn bạc, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM. 

TP cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM đảm bảo chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và tập quán sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô lớn và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn... 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã trong tình hình mới. Phát huy thế mạnh của Thủ đô, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác của cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành quốc gia, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng cao trong sản xuất nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả canh tác.

Diệp Linh
.
.
.