Đón Tết ở một “ngôi trường” nắn lại nhân cách

Thứ Bảy, 13/02/2016, 11:23
Đón Tết cùng các phạm nhân, mỗi cán bộ đang công tác tại Trại giam Hồng Ca (Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an) thấy lòng ấm hơn bởi tình đồng chí, nghĩa đồng đội...

Thường ngày, những giây phút đoàn viên, sum họp bên người thân trong gia đình vốn đã hiếm hoi; vào những ngày Tết đến, xuân về càng khó lòng thực hiện... Đón Tết cùng các phạm nhân, mỗi cán bộ đang công tác tại Trại giam Hồng Ca (Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an) thấy lòng ấm hơn bởi tình đồng chí, nghĩa đồng đội. Với họ, Trại giam Hồng Ca trở thành ngôi nhà thứ hai; những người đồng chí, đồng đội như những người thân trong gia đình...

1. Chúng tôi có mặt tại Trại giam Hồng Ca khi năm mới đã cận kề, trên những cây mơ, cây mận thân bạc phếch với thời gian, những nụ sống bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, báo hiệu một mùa xuân mới lại về... Trong phòng làm việc, Thượng tá Trần Văn Tải, Phó Giám thị Trại giam Hồng Ca, bề bộn với các kế hoạch chuẩn bị cho các phạm nhân vui Tết, đón xuân.

Đưa cho chúng tôi tập danh sách những nguyên liệu phải mua để phục vụ Tết Nguyên đán, Thượng tá Tải hóm hỉnh: "Ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi đã trở thành những bà nội trở đảm đang...".

Câu nói của Thượng tá Tải phần nào khắc họa được tính chất công việc của một đơn vị làm công tác giáo dục, quản lý đặc biệt. Lo cho một gia đình đã khó... cho một tập thể với hàng nghìn con người thật không dễ dàng. Vậy là từ trước Tết Nguyên đán khoảng hai tháng, Ban Giám thị Trại giam Hồng Ca đã phối hợp với các quản giáo bố trí chăn nuôi cùng các loại rau, củ... đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thực phẩm, không phải mua các sản phẩm từ bên ngoài. Rồi kế đó là các kế hoạch tổ chức cho các phạm nhân vui Tết, đón xuân, giúp họ với đi nỗi nhớ nhà...

Đối tượng giam giữ, cải tạo tại Trại giam Hồng Ca đều là nam giới, ngoài những kẻ từng nhiều lần ra tù vào tội, cũng có không ít kẻ được "sinh ra lần thứ hai", khi được giảm án từ tử hình xuống chung thân và phạm nhân là người dân tộc thiểu số phạm tội do thiếu hiểu biết về pháp luật... Mỗi cán bộ quản giáo thường được ví von như một thủ kho. Nhưng ở đây, việc nắm bắt diễn biến tâm lý thường ngày đã chẳng dễ dàng, vào những ngày Tết đến, xuân về thì tâm lý phạm nhân lại càng khó nắm bắt hơn nhiều. Trong khoảng thời gian ấy, các phạm nhân đều đau đáu nhớ về gia đình; người nhận thức đúng thì tuân thủ pháp luật, người không thì tìm cách đối phó.

Hơn nữa, vào ngày thường các phạm nhân còn ra ngoài lao động, những ngày Tết được nghỉ ngơi "nhàn cư vi bất thiện", các đối tượng ngồi trong trại nghĩ ra đủ mọi trò, trong đó việc đánh bạc dưới đủ hình thức như: Dùng que tăm đoán ngắn hay dài; cán bộ quản giáo bước chân vào buồng giam bằng chân phải hay chân trái; hôm nay xuất đội chẵn hay đội lẻ đi lao động... Ngay cả những chiếc bánh, chiếc kẹo được phát để đón Tết cũng có thể được sử dụng để chơi trò đỏ đen. Người thua thì phải dọn dẹp, tẩm quất hoặc thậm chí gán nợ bằng tiền lưu ký...

Mới nghe tưởng chừng đơn giản nhưng nếu cán bộ không nắm bắt tình hình thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Rồi kế đó là việc thăm gặp, thời điểm trước Tết Nguyên đán, các gia đình thường tổ chức thăm gặp phạm nhân nên công tác quản lý cũng vất vả hơn nhiều. Nhiều gia đình được tuyên truyền, hiểu rõ quy định của trại đã chấp hành rất nghiêm túc song cũng không ít trường hợp tìm mọi cách đưa đồ vật cấm vào trại giam.

Với sự chuẩn bị chu đáo của các cán bộ Trại giam Hồng Ca, những cái Tết của phạm nhân được trọn vẹn hơn. 9 năm đón Tết ở trại giam thì có có hơn nửa thời gian thụ án ở Trại giam Hồng Ca, phạm nhân Vũ Quốc Việt (trú tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bộc bạch: Những ngày Tết đến, xuân về, tình cảm của những cán bộ quản giáo, giúp chúng tôi xua đi nỗi nhớ nhà”.

Được biết, trước khi trở thành bị can trong vụ án này, Việt từng là cán bộ Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn (Yên Bái), rồi sau đó là cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lai Châu. Nhưng rồi chỉ vì một phút bồng bột, thiếu suy nghĩ, Việt đã phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của anh ta với bản án tử hình...

Hai năm đón Tết ở trong buồng tử hình, Việt được ân xá từ tử hình xuống chung thân. 7 cái Tết đón xuân ở trại, Việt đã cảm nhận được tình cảm của các cán bộ quản giáo dành cho Việt và các phạm nhân đang cải tạo ở nơi đây.

Trại giam Hồng Ca tổ chức cho các gia đình gặp gỡ phạm nhân trước Tết Nguyên đán Bính Thân.

2. Với các cán bộ Trại giam Hồng Ca, mỗi người lại có cảm nhận của riêng mình. Mười bốn năm công tác tại Trại giam Hồng Ca thì có 13 năm, Thượng úy Bùi Văn Thành đón giao thừa ở trại. Ngoài nhiệm vụ trinh sát, Thành còn là cán bộ quản giáo....

Tâm sự với chúng tôi, Thành bộc bạch: số phạm nhân trọng điểm ở khu giam giữ đặc biệt do Thành quản lý cũng có đủ chiêu trò đối phó. Có đối tượng tìm cách giấu điện thoại vào trong người; một số thì cắt giấy loại, làm thành các loại phỉnh để sát phạt nhau bằng tiền lưu ký... Vì thế, trước Tết Nguyên đán nhiều ngày, Thành và các đồng đội phải thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý của các phạm nhân.

Nhiều năm đón giao thừa ở đơn vị nhưng vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Thượng úy Thành lại chạnh lòng nhớ đến vợ, con. Bình thường 2-3 tháng, anh và các cán bộ quản giáo mới được tranh thủ về thăm nhà một lần, vào những ngày Tết thì hầu như 100 % cán bộ, chiến sỹ đều ứng trực ở đơn vị, đón Tết.

Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy sau khi Chủ tịch nước chúc Tết đồng bào cả nước, Ban Giám thị Trại giam Hồng Ca lại đến các buồng phạm nhân chúc Tết. Khi ấy, các phạm nhân ngồi thành hai hàng dọc, nói những lời chúc mừng năm mới. Trong tâm niệm của Thượng tá Tải và những người làm công tác quản giáo, nhiệm vụ của mỗi cán bộ quản giáo là giáo dục phạm nhân hướng thiện, sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội...

Bởi thế, sự tiến bộ của các phạm nhân cũng khiến mỗi người làm công tác quản giáo thấy hết ý nghĩa của người thầy ở một ngôi trường đặc biệt.

Xuân Mai
.
.
.