Đập cao su Nam Thạch Hãn có an toàn không?

Thứ Hai, 18/04/2016, 09:36
Nhiều ngày nay, người dân sinh sống vùng hạ du đập thủy lợi Nam Thạch Hãn (Quảng Trị) lo lắng, bởi thông tin trên một số tờ báo mạng cảnh báo khả năng vỡ đập cao su nằm trong hệ thống đập này, gây hậu quả khôn lường. Thực hư thế nào?


Ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị giải thích: “Đập cao su chỉ là hạng mục phụ trợ nằm trong hệ thống đập thủy lợi Nam Thạch Hãn. Đập có cấu tạo như một chiếc bao, với chiều dài 130m, cao 2m, đặt ngay trên phần tràn được xây dựng bằng bê-tông cốt thép của công trình và giữa lòng sông. 

Nó được vận hành, khai thác theo cách: Bơm căng để ngăn, giữ nước, phục vụ tưới tiêu. Khi có lũ lớn, xả xẹp để đảm bảo thoát lũ. Đập cao su này có tuổi thọ 10 năm, đến nay đã sử dụng được 16 năm, nên nó đã hư hỏng, không còn nguyên vẹn. Thời gian qua kể từ khi đập cao su này hết tuổi thọ, Sở NN-PTNT Quảng Trị chỉ cho phép đơn vị vận hành, khai thác nó bơm căng 1m chiều cao, tức chỉ đáp ứng 50% công năng để đảm bảo an toàn”. 

Hỏi, đập cao su có chức năng thế nào? Được biết trong trường hợp nó được bơm căng hoàn toàn sẽ ngăn, giữ được lượng nước tối đa là 10 triệu m³ nước ở phía trên, nhưng không may nó bị vỡ thì hậu quả gì sẽ xảy ra? 

Hạng mục đập cao su công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn được đặt ngay trên phần tràn và giữa lòng sông. 

Ông Hòe cho biết thêm: Công trình hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn được đầu tư xây dựng năm 1978, đến năm 1990 thì hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng. Giải pháp thiết kế đập đầu mối là đập dâng và sử dụng lưu lượng cơ bản để phục vụ tưới tiêu cho gần 14 nghìn ha lúa 2 vụ, 200 ha nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho 86 nghìn người dân vùng hạ du. 

Sau thời gian khai thác cho thấy công trình có một số khuyết điểm, hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, năm 2000, Bộ NN&PTNN đã phê duyệt bổ sung hạng mục đập cao su kể trên nhằm tận dụng tối đa nguồn nước phục vụ công tác tưới tiêu, tăng khả năng điều tiết và khả năng cấp nước cho vùng hạ du. Lúc lũ lụt xảy ra, nó được xả xẹp để đảm bảo việc thoát lũ. 

Việc vận hành, khai thác nó là do con người chủ động, căn cứ vào tình hình thực tế thời tiết, mùa vụ, mà không hề bị động, bất ngờ. Hơn nữa, như đã nói ở trên, con đập bằng cao su này chỉ là con đập phụ, nó được đặt ngay trên phần tràn và giữa lòng sông, nên ngay cả trong trường hợp nó được bơm căng hết cỡ, ngăn, giữ cả 10 triệu m³ nước ở trên và không may bị vỡ, thì cũng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sinh mạng người dân ở phía dưới. 

“Mặc dù vậy, nhằm tiếp tục đáp ứng nhiệm vụ điều tiết nước và tưới tiêu, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Trị thay thế đập mới. Dự kiến tháng 8-2016, con đập sẽ được thay thế”, ông Hòe giải thích.

Thanh Bình
.
.
.