Xuất hiện bệnh nhân thứ 17 nhưng đừng quá hoang mang

Thứ Bảy, 07/03/2020, 11:50
Đêm qua, lãnh đạo cao cấp của Chính phủ và chính quyền Hà Nội họp khẩn vì phát hiện ca dương tính COVID-19 thứ 17 tại nước ta. Mạng xã hội cả đêm cũng “sáng đèn” vì bệnh nhân số 17. Còn sáng nay, ngay từ lúc 6h, hàng thịt, hàng cá, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini … trong các khu dân cư chật cứng người xếp hàng. 

Người dân mua thực phẩm để cấp đông, hàng khô để dự trữ…do lo lắng, hoang mang. Dư luận sục sôi về hành vi không khai báo dịch tễ của bệnh nhân số 17, dẫn đến những hệ luỵ khó lường về phòng chống dịch tại Hà Nội.

Thế giới đã ghi nhận hơn 100 nghìn ca dương tính với COVID-19 lây lan gần 100 nước và khiến hàng nghìn người chết. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta đã điều trị thành công 16 ca dương tính với COVID-19 và hơn 20 ngày không phát hiện thêm trường hợp nào. Vì thế, Việt Nam được tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia trên thế giới coi là điểm sáng trong phòng chống dịch. 

Khu phố Trúc Bạch được lực lượng chức năng cách ly toàn bộ từ tối 6/3. Ảnh: Phong Sơn.

Có được kết quả này là do chúng ta huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng sự đồng tâm, hợp lực của người dân. Mặc dù, việc kiểm soát dịch bệnh rất khả quan nhưng từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Hà Nội, không hề có biểu hiện lơ là. 

Bằng chứng là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 Trung ương lẫn các địa phương luôn họp bàn để nắm tình hình, đưa ra những biện pháp kịp thời để ứng phó bởi những diễn tiến phức tạp biểu hiện rất rõ tại một số quốc gia. 

Sự lo lắng khiến nhiều người dân chen chân đi mua thực phẩm trong đêm.

Trong bối cảnh, hơn 60 quốc gia có người nhiễm COVID-19, trong đó có nhiều quốc gia trong khu vực, trong cùng châu lục, đặc biệt là những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc gia có hoạt động thương mại, đầu tư… rất lớn tại Việt Nam nên việc ứng phó chống dịch, lẫn dự liệu về những phức tạp do COVID-19 gây ra đã được đặt ra. Thế nên, nói như ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội trong cuộc họp đêm 6/3, điều lo ngại đã bắt đầu, khi xuất hiện trường hợp đầu tiên dương tính với COVID-19 tại Hà Nội. Bản thân người viết bài này cũng nhận thấy, việc Việt Nam xuất hiện thêm ca dương tính thứ 17 chắc chắn không phải điều bất ngờ.

Rõ ràng, sự xuất hiện thêm những ca dương tính mới đã trong dự liệu, thế những tại sao sự xuất hiện của bệnh nhân thứ 17 lại khiến dư luận sôi sùng sục? Tại cuộc họp đêm qua, Hà Nội đã công khai lịch trích xuất cảnh, nhập cảnh của bệnh nhân này. 

Sáng 7/3, khu phố Trúc Bạch được quân đội khử trùng. Ảnh: Phong Sơn.

Bệnh nhân nữ, 26 tuổi, trú tại phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Ngày 25/2, cô xuất cảnh tại sân bay Nội Bài đi London (Anh); Từ London, cô quá cảnh sang Milan (Italia) 3 ngày rồi quay lại London; 5 ngày sau, từ London, cô bay qua Paris (Pháp) và gặp chị gái. 

Chỉ sau 1 ngày tại đây (29/2), cô có biểu hiện ho. Một ngày sau (1/3), cô bay về Nội Bài trên chuyến bay của Vietnam Airline và được lái xe của gia đình chở về nhà tại phố Trúc Bạch lúc rạng sáng 2/3. Ngày 5/3, do sốt, ho nhiều nên cô đến bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương. Đêm 6/3, cô có kết quả dương tính với COVID-19. 

Người dân nơi đây nhận tiếp tế lương thực. Ảnh: Phong Sơn.

Nhìn vào lịch trình này, ai cũng thấy rõ bệnh nhân thứ 17 đã có một quá khứ dịch tễ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ngoài ra, tự thân cô cũng có những triệu chứng khá rõ rệt. Mặc dù được cho là có ý thức cách ly tại nhà nhưng hành động không khai báo dịch tễ của cô đã gây ra những hệ luỵ vô cùng nặng nề. 

Đó là, ngay trong đêm 6/3, hơn 20 nhà hàng xóm với cô bị phong toả, cách ly; 18 nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc phải cách ly. Đó còn chưa kể đến hàng trăm hành khách cùng trên chuyến bay, nhân viên mặt đất của ngành hàng không tại những nơi đi, đến và vô cùng nhiều những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gặp cô. Mà gần gũi nhất là bố mẹ, người thân, tài xế, người phục vụ cô… cũng vì thế mà phải cách ly, phải điều tra dịch tễ. 

Đó còn là cả một hệ thống chống dịch từ Trung ương, đến Hà Nội, rồi quận, phường, tổ dân phố chỉ vì sự trở về sau chuyến du lịch châu Âu của cô gái trẻ mà trắng đêm họp bàn, tẩy trùng, khử độc cùng vô vàn các việc làm khác nhằm ngăn chặn sự phát tán của con virus mới được “mang” về. 

Nếu như cô gái này khai báo dịch tễ khi đặt chân xuống sân bay, thì ngày thứ Bảy – cận ngày 8/3 này, các bà, các chị ở Hà Nội thay vì chen chúc xếp hàng mua thực phẩm, lo lắng những đứa con lớn bé sẽ tiếp tục nghỉ học dài dài… sẽ vui vẻ chào đón ngày lễ của mình. Có thể là một chút đắn đo riêng tư nào đó, cô gái trẻ đã làm điều dại dột... 

Dư luận chỉ trích việc không khai báo dịch tễ của bệnh nhân thứ 17 khiến những nỗ lực chống dịch của cả cộng đồng bị ảnh hưởng là đúng. Nhưng, khi đưa hoang tin như bệnh nhân này xuất hiện tại lễ khai trương một thương hiệu thời trang của Nhật tại Hà Nội là sai. 

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại cuộc họp đêm qua đã phủ nhận thông tin này. Trong lúc này, việc đưa ra những fake news (tin giả) sẽ thổi bùng lên sự tức giận của đám đông, gây hoang mang trong cộng đồng. Thực tế, những từ đầu mùa dịch đến nay, đã có quá nhiều thông tin giả liên quan, làm ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch COVID-19. 

Được biết, tính đến đầu tháng 3, đã có hơn 300 trường hợp đưa tin sai về COVID-19 bị các cơ quan chức năng xử lý. Cùng chung tay chống dịch là trách nhiệm của từng người và từng người cũng cần phải biết tiếp nhận và đưa tin chính xác. Đó cũng là cách để chúng ta cùng nhau vượt qua mùa dịch này.

Việc Hà Nội xuất hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với COVID-19 và sáng nay người dân Thủ đô xếp hàng mua thực phẩm cho thấy, nhiều người đã quá hoang mang, lo lắng. Rõ ràng, chúng ta đã chủ động mọi mặt trong phòng chống dịch và kết quả là đã kiểm soát được, thế giới cũng ghi nhận. 

Tại cuộc họp đêm 6/3, Bí thư Thành uỷ cũng nói, Hà Nội đã đề ra phương án cách ly cả khu phố, thậm chí cả một quận. Chính quyền chủ động, người dân chủ động, thì hà cớ gì vì sự xuất hiện một bệnh nhân dương tính với COVID-19 mà đã bất an và có những hành động đẩy sự lo lắng đi xa? 

Thành phố đã minh bạch thông tin của bệnh nhân, công khai biện pháp ứng phó, không lơ là chủ quan, và chủ động trong phòng chống dịch. Lúc này, người dân Thủ đô cần bình tĩnh, không nên quá hoang mang, lo lắng.

Cao Hồng
.
.
.