Kiệt sức trong cuộc chạy đua hạn mặn lịch sử

Thứ Sáu, 26/02/2016, 14:44
Miền Tây Nam bộ, vùng đồng bằng sông nước của Việt Nam, vựa lúa lớn của Châu Á... đang ráo riết trong cuộc chạy hạn mặn lịch sử gần một thế kỷ qua. 


Nguy cơ, thách thức được cảnh báo từ sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, từ việc xây đập, khai thác tài nguyên nước bất chấp qui luật dòng chảy tự nhiên trên dòng Mê kông, đã trở thành mối lo ngại nghiêm trọng, rõ rệt hơn kể từ đầu năm trước. 

Hiện tượng El-Nino đã khiến mùa mưa năm 2015 đến trễ và dứt sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%; nhu cầu tích nước cho các đập thủy điện, dẫn nước nhập điền của các quốc gia thượng lưu Mê kông gia tăng, khiến mực nước trên sông Mê kông suy giảm chưa từng có trong vòng 90 năm gần đây và nước mặn từ Thái Bình Dương sớm lấn vào và bủa vây ĐBSCL.

Lúa chết cháy do hạn, mặn ở ĐBSCL

Nước mặn từ hai phía Đông - Tây, đã lấn vào các cửa sông Cửu Long sớm hơn nhiều năm trước. Đầu tháng 2, độ mặn tại các cửa sông Hậu cao hơn từ 5,4-11,7g/l, các cửa sông Tiền cao hơn từ 1,7-9g/l so cùng kỳ năm trước. Mặn xâm nhập sâu hơn, thấu qua tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, tấn công tới trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang, cách biển trên 60km, độ mặn trong nước kênh Xà No tại TP.Vị Thanh có lúc đo được tới trên 3%. 

Tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên đã bị mặn tấn công. Hiện nhiều vùng dân cư của ĐBSCL cách biển trên 40km hầu như đã không thể lấy nước ngọt từ sông để phục vụ sinh hoạt sản xuất… Tổng diện tích 1,7 triệu ha đất nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL đã bị xâm nhập mặn trên 700.000ha. Xâm nhập mặn đã và đang kéo dài, ảnh hưởng rất trầm trọng đến môi trường, sinh thái, tác động tiêu cực, gây thiệt hại đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

Ngoài thiệt hại về các loại cây ăn trái, thủy sản nước ngọt, chỉ riêng cây lúa đã có gần 340.000ha (chiếm trên 35,5% tổng diện tích) lúa vụ Đông Xuân trong vùng bị xâm mặn, với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau, ước thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng và mức độ thiệt hại tiếp tục gia tăng. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Hoàng Văn Thắng, những ngày tới nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào ĐBSCL tới 75km và khả năng hoành hành tới tháng 6 nếu mùa mưa đến chậm, gặp các đợt triều cường. Và diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn sẽ tiếp tục gia tăng lên trên 900.000ha, chiếm gần 62% diện tích lúa vụ Đông Xuân này. Riêng Kiên Giang đã có 30.000 ha lúa bị thiệt hại.

Đập ngăn mặn Ba Lai (Bến Tre) đang phát huy hiểu quả ngăn mặn hiện nay

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là 7 tỉnh ven biển: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Tuy nhiên, các địa phương vùng trung tâm ĐBSCL tình hình cũng rất phức tạp. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh đã rất lo lắng, cho biết: “Đối phó xâm nhập mặn cấp bách hơn cứu hỏa vì đất bị nhiễm mặn thì có thể sẽ mất hàng chục năm sau mới có thể cải tạo lại được và mức độ thiệt hại rất lớn”.

Ngay sau Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã trực tiếp vào ĐBSCL chủ trì hội nghị, thị sát tình hình, chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương huy động tổng lực để phòng chống hạn, mặn; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu để cùng vào cuộc. Chính phủ ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương chống hạn, xâm nhập mặn; những nơi cần thiết triển khai xây dựng ngay trạm cấp nước, khoan giếng… giải quyết nguồn nước cho dân.

Các địa phương trong vùng đã và đang ráo riết triển khai nhiều biện pháp công trình nạo vét kênh mương, huy động phương tiện bơm nước ngọt tiếp ứng cho các vùng sản xuất, dân cư ven biển. Nhiều địa phương như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang… đang đầu tư hàng chục tỷ đồng để tăng cường tiếp ứng nước ngọt duy trì sản xuất, sinh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng trầm trọng nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, biện pháp chống hạn mặn tại địa phương là tập trung thực hiện tốt các phương tiện tiếp ứng nước ngọt trực tiếp cho những vùng dân cư bức xúc và cải tạo các công trình thủy lợi ngăn mặn, khơi nguồn nước ngọt, bơm nước ngọt vào nội đồng…

Tỉnh Tiền Giang đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách hơn 4 tỉ đồng, sớm triển khai thực hiện khẩn cấp đầu tư 16 thuyền, trang bị 32 máy bơm công suất 1.000 m3/máy/giờ, xây dựng trạm bơm dã chiến bơm nước ngọt tiếp ứng vùng dự án ngọt hóa Gò Công, hạn chế được mức độ thiệt hại gần 30.000ha lúa Đông Xuân trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trầm trọng. 

Chính quyền cũng đã chỉ đạo triển khai khẩn cấp lắp đặt 61 vòi nước ngọt công cộng tiếp ứng miễn phí cho hàng nghìn hộ dân sinh sống gần biển, thiếu nước ngọt thuộc huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công…

Khai thông kênh rạch chống hạn ở Hậu Giang 

Ở các địa phương phía trên và trung tâm ĐBSCL cũng đang ráo riết triển khai các biện pháp cải tạo thủy lợi chống hạn, mặn, bảo vệ mùa màng và tăng cường hệ thống cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân. 

Riêng tại tỉnh Hậu Giang, chính quyền đã đầu tư 16 tỉ đồng, thực hiện 11 mũi khoan độ sâu khoảng 360m để khai thác nước ngầm phục vụ cung cấp nguồn nước ngọt sinh hoạt cho dân cư các địa phương trong tỉnh. Trong khi cơ quan chức năng tỉnh này cho biết đang còn thiếu khoảng 100 tỉ đồng để đầu tư giải quyết nhu cầu thực hiện biện pháp cải tạo thủy lợi để chống hạn, mặn, phục vụ sản xuất trước mắt.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, cuộc chạy hạn ở miền Tây có thể sẽ kéo dài thêm 4 tháng nữa với rất nhiều việc cấp bách trước mắt phải làm. Lúc này, người dân, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang thấm thía với mức độ thiệt hại và những thách thức to lớn đặt ra cho cuộc sinh tồn của vùng đất bao đời mệnh danh trù phú, mưa thuận gió hòa với tầm quan trọng của những giải pháp chiến lược dài hạn thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Những giếng nước ngầm như thế này ở ĐBSCL là vô cùng cần thiết

Có lẽ nhiều vấn đề về việc qui hoạch quản lý, điều phối tài nguyên nước cùng với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đáp ứng yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước sẽ là mối quan tâm của miền Tây ngay trong “Ngày nước thế giới” năm nay (22-3) – cuộc chạy hạn lịch sử của vùng sông nước này vẫn còn đang là cao điểm.

Văn Đức - H.L
.
.
.