Vụ học sinh gãy chân ở trường Nam Trung Yên: Gia đình đề nghị Công an xử lý nghiêm
- Khai trừ Đảng nguyên Hiệu trưởng và Hiệu phó trường Nam Trung Yên
- Ngày đầu trở lại trường của học sinh vụ gãy chân ở Trường Nam Trung Yên
- Diễn biến mới nhất về vụ HS bị gãy chân ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên
- Cách chức hiệu trưởng, hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên
Theo thông tin từ gia đình cháu Trần Chí Kiên - học sinh bị taxi đâm gãy chân trong sân trường Tiểu học Nam Trung Yên, cơ quan điều tra đã thông báo kết quả điều tra ban đầu.
Trao đổi với phóng viên chiều 2-3, anh Trần Chí Dũng, bố cháu Kiên, cho biết, gia đình anh đã gửi đơn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ vụ việc dẫn đến hậu quả cháu Kiên bị gãy chân; đồng thời đề nghị làm rõ hành vi, trách nhiệm của tất cả những người liên quan.
Theo anh Dũng, Phòng Cảnh sát hình sự bước đầu thông báo cho gia đình 3 nội dung: Thứ nhất, cháu Kiên bị tai nạn trong sân trường, bị taxi đâm. Thứ hai, tỷ lệ thương tật của cháu là 32%. Thứ ba, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, cô Hiệu trưởng, Hiệu phó có mặt trên xe taxi gây tai nạn.
“Quan điểm của gia đình là đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm của các cá nhân liên quan, ai có lỗi đến đâu phải chịu hình thức xử lý phù hợp” - anh Dũng nói.
Về tài xế taxi gây tai nạn cho cháu Kiên, anh Dũng cho biết: “Lái xe vô tình gây tai nạn cho cháu, không đưa cháu đi cấp cứu do không biết. Gia đình tài xế sau đó cũng đã đến xin lỗi gia đình tôi, xin thanh toán mọi chi phí điều trị và nhận mọi hậu quả. Chúng tôi ghi nhận thiện chí của lái xe taxi. Còn những người khác, đề nghị cơ quan điều tra cứ đúng mà làm, cần phải làm rõ tất cả các hành vi liên quan”.
Nhận định về sự việc, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cháu Kiên, cho rằng việc có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không phụ thuộc vào yêu cầu gia đình bị hại.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, việc điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo Điều 109 Bộ luật Hình sự phải có đơn yêu cầu của bị hại. Ở giai đoạn điều tra, trường hợp cơ quan tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà gia đình bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, theo quy định, vụ án sẽ bị đình chỉ điều tra.
Luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết thêm, hành vi gây ra tại nạn khiến cháu Kiên bị thương tật với tỷ lệ 32% đã thoả mãn dấu hiệu “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”, quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Liên quan đến vụ việc này, trước đó, ngày 21/2, Hội đồng kỷ luật UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã chính thức công bố kết luận cách chức bà Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên. Quận ủy Cầu Giấy ngày 28/2 cũng có quyết định khai trừ khỏi Đảng đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương./.