Hơn 200.000 cử nhân vật vã tìm việc làm: Ước mơ chỉ là mơ ước

Thứ Tư, 04/05/2016, 22:49
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2015, cả nước có trên 200.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 20% tổng số lao động thất nghiệp. 


Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta đang đào tạo những ngành nghề và kỹ năng nhà trường có chứ không đào tạo ngành nghề xã hội cần. Trong khi đó, thị trường lao động vẫn luôn “khát” nhân sự, đặc biệt ở nhóm có chuyên môn cao và thợ kỹ thuật lành nghề.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm 2015, Trung tâm có 23.192 người đăng ký tìm việc tại Trung tâm và qua các Ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm. Trong đó có 55% là lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Tỉ lệ Trung tâm giới thiệu và cung ứng việc làm cho lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 29% trong tổng số 4.630 người được giới thiệu, cung ứng việc làm.

Lý giải việc chỉ có hơn một nửa số cử nhân đến Trung tâm tìm được việc làm, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Thực tế vài năm trở lại đây cho thấy, hiện tượng lao động có trình độ đại học, cao đẳng tới đăng ký tìm việc ngày càng khó kiếm được việc làm như mong muốn.

Trong số này, có một lực lượng có trình độ đại học, cao đẳng phải chấp nhận làm việc trái ngành nghề, không đáp ứng với trình độ đã được đào tạo và nguyện vọng của bản thân. Thậm chí, có một nghịch lý hết sức phổ biến tại trung tâm là lao động phổ thông và công nhân dễ tìm việc hoặc tìm được những công việc có thu nhập cao. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học, cao đẳng lại khó xin việc hơn bởi tâm lý kén chọn, quá kỳ vọng nhiều vào tấm bằng đại học mà mình đang có.

Tình trạng nhiều cử nhân ra trường không kiếm được việc làm đang là nỗi nhức nhối của gia đình và xã hội.Ảnh minh họa.

Cũng theo chia sẻ của bà Trinh, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều là do trong nhiều năm qua công tác tuyên truyền tư vấn nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp chưa đạt yêu cầu, cộng với nếp suy nghĩ đã trở thành “truyền thống” của xã hội đã tạo cho một bộ phận thanh niên không có khả năng vào đại học nhưng vẫn quyết tâm vào đại học bằng mọi giá.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của một số trường cao đẳng, đại học chưa tốt, số tiết thực hành của sinh viên không cao, thiếu các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, làm việc nhóm, giao tiếp… Hệ quả là sau khi tốt nghiệp sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc rất khó khăn trong khi yêu cầu của thị trường lao động đang biến đổi từng ngày.

Chỉ tiêu đào tạo, các ngành học, quá trình dạy và học chưa gắn với thực tiễn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến đào tạo thừa sinh viên các ngành học mà xã hội cần ít và ngược lại. Về nguyên nhân chủ quan, bà Trinh cho rằng, đa phần thanh niên chưa đánh giá đúng kỹ năng, sở trường, sở đoản của bản thân nên dẫn đến lúng túng trong quá trình lựa chọn hệ học, ngành học, việc chọn nghề theo mong muốn của cha mẹ, a dua theo bạn bè mà không căn cứ vào khả năng bản thân và nhu cầu của xã hội, dẫn đến sai lầm ngay trong bước đi đầu tiên của quá trình lựa chọn nghề nghiệp.

 Từ phía nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Thúy Nga, cố vấn nhân sự cấp cao Công ty Misa cho rằng: Qua thực tiễn công tác tuyển dụng nhân sự tại Công ty Misa cho thấy, có tới 90% sinh viên phỏng vấn xin việc thiếu các kỹ năng mềm mà doanh nghiệp cần. Điều này cho thấy, đang có độ vênh khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp với thực tế mà các nhà trường đào tạo.

Cũng theo bà Nga, để tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên năm cuối, chương trình học tập tại các trường cần gắn kết lý thuyết với thực hành, tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tập sớm tại các doanh nghiệp từ năm thứ 2.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Ngân hàng Standard nhấn mạnh thêm: Sinh viên mới ra trường hiện nay thường nghĩ đến những điều rất to tát, lý tưởng hóa nên có tâm lý “kén cá chọn canh”, ngại làm những việc nhỏ bé, thậm chí là lặt vặt. Trong khi đó, thực tiễn lại chứng minh rằng, 3-5 năm đầu tiên sau khi ra trường là thời gian “vàng” để người trẻ hết mình với đam mê và xem nghề nghiệp đó có phù hợp bản thân không.

Thừa nhận thực trạng khủng hoảng nhân sự, đặc biệt là tình trạng cử nhân thất nghiệp đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, ông Trần Văn Vinh, Giám đốc phụ trách khối đào tạo, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng: Thực tế này đòi hỏi các trường đại học cần phải xem xét lại chương trình đào tạo lẫn mô hình đào tạo của chính mình để điều chỉnh cho phù hợp hơn với những đòi hỏi từ thị trường lao động.

Để giải quyết bài toán này, theo ông Vinh, hiện nay có một số trường đại học trong nước đang chuyển đổi mô hình đào tạo từ đại học hàn lâm sang đại học ứng dụng - mô hình đào tạo tiên tiến được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển.

Theo mô hình này, sinh viên sẽ học 30% lí thuyết trên giảng đường, 70% phần kiến thức còn lại sẽ là trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Với việc áp dụng mô hình đại học ứng dụng, sinh viên sẽ có cơ hội thực tập, làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất.

“Việc đào tạo sinh viên trở thành những con người toàn diện là mục tiêu cốt lõi của mô hình đại học ứng dụng. Ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, thành thạo ngoại ngữ, sinh viên còn được trang bị thêm 15 kỹ năng mềm và kỹ năng hội nhập. Mô hình đại học ứng dụng đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm với thu nhập cao và cơ hội thăng tiến tốt cho tương lai”, ông Vinh cho hay.

Huyền Thanh
.
.
.