Tuyên chiến với rác thải nhựa

Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:24
Ngày 14-11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm “Tuyên chiến với rác thải nhựa”. Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động.


Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/ngày sẽ có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường. Thói quen sử dụng phổ biến các sản phẩm này trong đại bộ phận người dân hiện nay đang gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, thấy rõ tác hại của rác thải nhựa, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành chính sách và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, trong đó giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Hưởng ứng phong trào, nhiều bộ, ngành, đơn vị tiên phong “nói không với rác thải nhựa”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại nhiều hội nghị, hội thảo; phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nilon” kêu gọi mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon sử dụng một lần”.

Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon.

Liên minh tái chế bao bì Việt Nam gồm 9 doanh nghiệp lớn như TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… đã được thành lập giữa năm 2019 và đang nối dài danh sách các doanh nghiệp lớn tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa. Các hãng hàng không Vietjet, Bamboo đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay.

Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Một số cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, dùng cốc sử dụng nhiều lần…

Phong trào chống rác thải nhựa với những hành động “Thử thách dọn rác”, “Thử thách thay đổi” lan truyền mạnh mẽ trên khắp các vùng miền đất nước mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường, thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng hoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ, túi nilon không phân hủy, tạo ra nhiều phát thải gây ô nhiễm môi trường, tác động nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các sản phẩm nhựa rất rẻ và tiện dụng nên trở thành thói quen khó sửa. 70% chất thải còn chôn lấp nên lượng rác thải nhựa tồn tại trong đất rất lớn, kéo theo nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn, ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Để quyết liệt thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; thay đổi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng thị trường lành mạnh.

Chính phủ đã làm việc với các đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền thay đổi hành vi. Mức thuế hiện được nâng lên cao nhất trong khung chịu thuế là 50.000 đồng/kg với nhà sản xuất, tuy vậy vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế với người tiêu dùng.

Việt Nam đang xây dựng kinh tế tuần hoàn trong từng khu dân cư, từng doanh nghiệp, từng khu công nghiệp và trong cả cộng đồng. Việt Nam tiến tới cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần nhưng cấm theo lộ trình.

Minh Nguyệt
.
.
.