Trật tự đô thị ở Hà Nội có nhờn luật?

Thứ Bảy, 28/10/2017, 12:22
Sau hơn 6 tháng,  ra quân lập lại trật tự đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, tới nay, khi đợt cao điểm đi qua, thì tại một số tuyến phố, việc lấn chiếm vỉa hè đã xuất hiện trở lại. Như vậy, tình trạng “đầu voi đuôi chuột” vẫn tái diễn sau mỗi lần ra quân rầm rộ. Phải chăng, việc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội là câu chuyện “bất khả thi”?


Đi bộ trên tuyến phố Xã Đàn, quận Đống Đa, một tuyến phố đẹp, có vỉa hè rộng, nhưng nếu đi vào buổi tối tại khu vực từ đền Kim Liên đến khoảng số nhà 350 phố Xã Đàn, thuộc địa phận phường Phương Liên, thì nhiều đoạn, người đi bộ sẽ phải đi xuống lòng đường để “nhường” chỗ cho quán nước chè, quán sinh tố vỉa hè, quán cà phê; đặc biệt là 3 quán lẩu nướng gần hiệu sách Fahasa Xã Đàn bầy bàn ghế chiếm dụng toàn bộ vỉa hè.

Tại xóm Hạ Hồi, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cứ vào buổi trưa, thì lòng đường nơi đây được những chủ bán hàng cơm, hàng bún… dùng để kê bàn ghế cho thực khách ngồi ăn, các phương tiện giao thông chỉ còn nước là vòng lối khác.

Quán lẩu nướng và quán cà phê tại Xã Đàn (thuộc địa phận phường Phương Liên, quận Đống Đa), chủ quán  ngang nhiên bầy bàn ghế ra vỉa hè.

Vỉa hè rộng còn bị lấn chiếm thì ở những nơi có vỉa hè nhỏ, lại là điểm kinh doanh buôn bán  sầm uất như tại một số tuyến phố cổ quận Hoàn Kiếm, buổi tối, gần như không còn vỉa hè cho người đi bộ. Có nơi, toàn bộ vỉa hè dùng để khai thác điểm trông giữ xe ôtô cả ngày và đêm như ở đầu phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; đầu phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng…

Đây là thực trạng chung ở nhiều tuyến phố của TP Hà Nội sau hơn 6 tháng ra quân lập lại trật tự đô thị.

Thời điểm đầu ra quân, lực lượng chức năng rất hăng hái. Tất cả mái che, mái vẩy đua ra khỏi chỉ giới đất đều bị cắt, hạ; các bục bệ, cầu dắt xe cũng chịu chung số phận. Nhiều tòa nhà có mái vẩy, mái che làm rất qui mô, thực tế không ảnh hưởng đến người đi bộ, song cứ lấn ra khoảng không chỉ giới đất là bị lực lượng chức năng cho hạ xuống;  một số đèn chiếu sáng để rất cao trên tòa nhà cũng bị bóc gỡ. Việc phá bỏ các bục bệ, cầu dắt xe ở khu vực phố Xã Đàn và nhiều tuyến phố có cốt xây dựng cao hơn đường đi nhằm xử lý lấn chiếm vỉa hè,  mặc dù có ý kiến trái chiều nhưng khi ra quân cũng được thực hiện triệt để.

Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng ra quân, các bục bệ bị đập phá trước đây, nhiều gia đình đã làm lại như cũ hoặc thay thế bằng các bục lên xuống di động (bằng sắt, bằng gỗ). Như vậy, việc lấn chiếm ra vỉa hè vẫn đâu hoàn đó, chỉ thay đổi từ chất liệu bê tông kiên cố sang các vật liệu dễ di động hơn để đối phó khi cơ quan chức năng ra quân kiểm tra.

Thiết nghĩ, để trật tự đô thị tại TP Hà Nội có nền nếp và duy trì như những ngày đầu ra quân, cần duy trì lực lượng làm thường xuyên, đặc biệt là vào buổi tối; chú trọng xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. 

Vì vậy, cần có lực lượng kiểm tra thường xuyên công tác đảm bảo trật tự đô thị của các phường; xử lý nghiêm người đứng đầu các phường để xảy ra vi phạm trật tự đô thị. Có làm nghiêm minh, không “đầu voi đuôi chuột” thì mới hình thành được ý thức cho người dân. Còn như bây giờ, tâm lý người dân đều cho rằng, các lực lượng ra quân theo đợt, đâu lại vào đó, nên họ luôn tìm cách đối phó dẫn tới nhờn luật.

Đào Minh Khoa
.
.
.