Tiếp tục tìm giải pháp cứu người dân ở vùng xâm nhập mặn
- Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở ĐBSCL
- Quyết liệt chống hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL
- Chủ động tích nước các hồ chứa để chống hạn, xâm nhập mặn do El-Nino
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, lượng mưa tại đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 20-30% so với trung bình nhiều năm. “Lượng nước trên sông Mekong chảy về Việt Nam giảm khoảng 50%. Trong tháng 1 và 2, thủy triều dâng cao hơn bình thường nhiều năm nên xảy ra xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Nhiều nơi vào sâu tới 70-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-30km”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.
Ông Phát thông tin tới các đại biểu, ở nhiều địa phương, diện tích lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất lúa giảm; cây ăn quả bị ảnh hưởng, ngao, hàu bị chết, tôm không lớn được do độ mặn tăng cao, nông dân phải bán trâu bò sớm do không đủ nước ngọt cho trâu bò uống.
“Đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các giếng, hồ chứa nước ngọt đều khô cạn, thậm chí, người dân còn phải đào giếng ở dưới lòng hồ. Một số nơi người dân không có nước sinh hoạt hoặc phải mua nước với giá cao”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu hậu quả của thiên tai.
Ông Phát lo lắng: “Ở Hà Nội, nước sạch chỉ có 5.000 đồng/m3 nhưng ở Bến Tre, người dân đang phải mua nước sinh hoạt với giá 60.000-80.000 đồng/m3. Các trường học, khách sạn, bệnh viện cũng không có nước sạch, nhiều nơi còn phải dùng nước mặn loãng để làm nước sinh hoạt hằng ngày”.
Thực trạng xâm nhập mặn đã đến mức báo động đỏ. “Người dân giờ không còn phải ra tận biển để tắm biển để cảm nhận vị mặn của nước biển như trước nữa. Bây giờ, người dân có thể cảm nhận được ngay vị mặn ở quanh nhà mình bởi hiện nay, nước ở các khách sạn, ao hồ, kênh ở Bến Tre cũng đã bị nhiễm mặn nặng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng.
Lúa bị nhiễm mặn không trổ nổi bông. |
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cũng cho biết, toàn tỉnh có 14.774ha lúa, trong đó có 14.754ha diện tích lúa đông xuân bị hư hỏng hoàn toàn (gần 100%). Theo ông Cao Văn Trọng, do lúa bị hỏng, phải mua rơm ở Đồng Tháp chở về. Do đó, nông dân mất trắng 2,5 triệu đồng/ha tiền rơm, ngoài thiệt hại về lúa.
Ngoài ra, diện tích nuôi nghêu, hàu cũng bị ảnh hưởng lớn. Trước tình trạng xâm nhập mặn nặng nề, địa phương này đã chủ động tập trung chở nước sinh hoạt bằng xà lan để cấp cho các nhà máy sản xuất thực phẩm, nhà máy sử dụng nồi hơi, bệnh viện khoa chạy thận và khoa dinh dưỡng được cấp. Trường học, khách sạn 3, 4 sao được cấp nước, chủ yếu phục vụ khách quốc tế. Công suất cấp nước khoảng 500 khối nước/ngày.
Thực tế đáng buồn là tác động của xâm nhập mặn hiện nay chủ yếu ảnh hưởng lớn đến các đối tượng là người dân nghèo và cận nghèo vì họ không có vốn để đầu tư thiết bị chứa nước. “Tỉnh đang vận động xã hội hóa, đầu tư một số máy lọc nước mặn”, Chủ tịch tỉnh Bến Tre nêu phương án giải quyết.
Theo dự báo, tình hình thiên tai sẽ còn xấu hơn vì trong tháng 3, tháng 4, lượng nước trên sông Mekong chảy về sẽ không tăng nữa nên nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Cụ thể, với đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 4 và kéo dài ảnh hưởng tới tháng 5, tháng 6. Trung Bộ đỉnh điểm khô hạn có thể là tháng 4, tháng 5.
“Hy vọng đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, băng tuyết ở Trung Quốc sẽ tan thành nước chảy về sông Mekong nhiều hơn. Theo đó, Việt Nam sẽ đón được nước ngọt, đẩy lùi được tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Còn Tây Nguyên hy vọng tháng 5 hoặc 6 sẽ có mưa. Riêng với Ninh Thuận, Nam Trung Bộ, có thể tới tháng 9 mới có mưa”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát hy vọng.
Trước mắt, Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 700 tỷ đồng để các tỉnh xây dựng trạm bơm nước ngọt lên nơi có thể chứa; xây dựng cấp bách hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống trồng vụ lúa sau đối với vùng lúa chết.
Ngoài ra, để giảm thiểu thiệt hại, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt, thực hiện phương châm không để người dân nào đói, thống kê hộ dân thiếu lương thực và cấp 15kg gạo/người/tháng.