Đồng phục biển hiệu: Thiếu sự sáng tạo và đa dạng

Thứ Sáu, 13/05/2016, 09:08
Việc UBND TP Hà Nội qui định “đồng phục hóa” các biển hiệu quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) đang trở thành tâm điểm của dư luận, khi các biển quảng cáo dù mặt hàng gì, thương hiệu nào cũng đều phải có cùng chiều cao, độ rộng, cùng một phông chữ, trên 2 nền - hoặc đỏ, hoặc màu xanh dương.


Bên cạnh một số ý kiến cho rằng các biển quảng cáo giống nhau là sự ngăn nắp, trật tự thì đã có không ít ý kiến phản bác qui định này, trong đó, nhiều hộ kinh doanh bày tỏ ý kiến không đồng tình khi việc kinh doanh của họ bị ảnh hưởng.

Ngạc nhiên về qui định này, KTS Nguyễn Hồng Sơn (Hội KTS Việt Nam) cho rằng, việc các biển hiệu ở một tuyến phố mà chỉ có các biển quảng cáo một kích thước, màu sắc chỉ tạo nên sự đơn điệu và buồn tẻ cho thành phố. Bởi mục đích của quảng cáo là phải giới thiệu được sản phẩm đến người tiêu dùng, nên mỗi doanh nghiệp, nhà kinh doanh đều có những cách thức để tiếp cận khách hàng tốt nhất, bắt mắt nhất, chứ không phải là quan điểm cá nhân, duy ý chí.

Các biển hiệu “đồng phục” trên phố Lê Trọng Tấn. ảnh: Hữu Nghị

Nhìn ở góc độ khác, PGS. TS. Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng ý tưởng của UBND TP. Hà Nội là đáng hoan nghênh, nhưng lại không hiểu rõ pháp luật dân sự. Vì thế, dẫn đến việc vi phạm các quy định về Luật Sở hữu trí tuệ đối với nhận diện thương hiệu logo của doanh nghiệp, khi việc quy định màu sắc biển quảng cáo chỉ được theo “mẫu” chung, sẽ khiến các doanh nghiệp như Vietcombank, Cà phê Passio, hay Thế giới Di động không thể giữ màu sắc trong đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ, nếu quảng cáo ở tuyến phố này. Như vậy, qui định này buộc các doanh nghiệp buộc vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, quy định này còn vi phạm quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với nhãn hiệu.

KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm trước qui định chung về biển quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn: Ấn tượng đầu tiên của tôi là được nhìn thấy tận mắt nỗ lực của các nhà quản lý trong việc kiểm soát quy hoạch biển hiệu – họ đã làm được. Ấn tượng thứ hai là sự đơn điệu, chủ quan. Việc làm này hay vì sự trật tự và lại chưa hay vì chưa chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị.

Đường Lê Trọng Tấn hiện nay đang là ví dụ cụ thể về nỗ lực của các nhà quản lý trong việc kiểm soát trưng bày biển hiệu quảng cáo. Ở đây rõ ràng khái niệm “loại bỏ quảng cáo bừa bãi, mất trật tự “ đã được thể hiện một cách mẫu mực. Nhưng nếu coi đây là bài học tốt để nhân rộng thì cần cân nhắc. Tôi đã có mặt tại nhiều thành phố đẹp như  Paris, Copenhagen, Stockhom, Dublin Oslo, Tokyo, Singapore … nhưng quả thực tôi chưa thấy thành phố nào có biển hiệu dài hàng trăm mét dọc phố có hai mầu xanh đỏ.

Một thành phố văn hóa – lịch sử, trong đó đang khuyến khích sự phát triển  năng động, sáng tạo thì đường phố kiểu mẫu cần hội đủ sự sáng tạo, đa dạng. Đường Lê Trọng Tấn mới được hoàn thành, còn non trẻ và cần có thời gian để chiêm nghiệm. Nó đã tạo ra sự “đột phá” trong thiết lập trật tự quản lý, nhưng cũng bộc lộ ít nhiều hạn chế mà dư luận đã lên tiếng. Tôi tin rằng những người có trách nhiệm, các nhà quản lý ít nhiều để tâm và có giải pháp phù hợp hơn. Đó chính là quá trình tiến hóa, trưởng thành về nhận thức thẩm mỹ đô thị.

KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng, việc trang trí đường phố lòe loẹt, tùy tiện mỗi dịp lễ tết bị người dân phàn nàn, là vì thành phố giao cho các cá nhân, đơn vị có năng lực tương ứng thực hiện, còn nếu muốn nó đẹp đẽ, sang trọng thì giao cho những người có năng lực. Nếu chưa tìm thấy thì thôi, đừng vội kẻo phí tiền lại thêm bị chê cười. 

“Hãy cứ để nó thâm trầm lắng đọng, có lẽ nó sẽ tự tạo nên một sự khác biệt một cách can đảm của một thành phố từng trải – lịch lãm.  Còn vì những nhiệm vụ chẳng thể đừng thì nên tham khảo các chuyên gia. Hà Nội có nhiều chuyên gia kiến trúc, văn hóa, lịch  sử, mỹ học có kinh nghiệm và nặng lòng với Hà Nội, họ sẵn sàng đóng góp nếu như những nhà quản lý thực lòng lắng nghe.”- KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
Thanh Hằng
.
.
.