Chuyện tấm bảng hiệu

Thứ Sáu, 07/07/2006, 15:00
Một anh thợ làm biển hiệu kể, có lần khách hàng yêu cầu làm tấm bảng với nội dung phía trên "Miền sơn cước", còn bên dưới "Coffee/ Cà phê". "Người ta là "thượng đế" với lại làm để lấy tiền thì kệ mặc dù xưa nay chẳng ai viết thế cả", anh nói.

Một cửa hàng không phải chỉ có duy nhất một bảng hiệu mà đôi khi lên đến ba hay bốn tấm tùy vào quy mô, diện tích kinh doanh; và nhất là phụ thuộc khả năng "bành trướng" cơ ngơi của các ông chủ, bà chủ.

Thế nên, có thể bảng này được làm bằng kim loại hẳn hoi, còn bảng kia lại chễm trệ trên bức tường sau những đường phóng bút của người thợ vẽ bất đắc dĩ. Đủ các kiểu chữ cùng với gam màu nóng để gây sự chú ý. Trong vòng bán kính 10m, người đi đường chỉ có thể nhận rõ tên cửa hiệu, còn những dòng chữ phía dưới cho phép bỏ qua bởi kích cỡ quá nhỏ cũng như không đọc cũng đoán ra nội dung gì rồi.

Bên cạnh đó còn kèm theo dăm ba hình ảnh phụ họa như thể làm cho sản phẩm trở nên mềm mại hơn. Nhìn chung, từng cen-ti-met khoảng trống đều được trưng dụng khác gì "tấc đất, tấc vàng" mặc cho các con chữ "thở" nặng nhọc dưới cái nắng của mùa hè oi ả.

Tuy nhiên, điều muốn nói là những cái nhìn đăm chiêu, những nụ cười khó hiểu khi phải chứng kiến vẻ không hay của chính "anh bạn" này. Đấy là một "thân thể" mình trần hoen gỉ, "chân cẳng" thì xiêu vẹo không lời "hỏi thăm" cùng mớ "kiến thức" hổng đầu này, thiếu đầu kia. Đã thế nhiều khi giấy tờ cứ phất phơ trong gió đến thảm. Có lẽ vì quá chăm chỉ làm giàu mà người ta quên mất "bộ mặt" của mình cũng nên.

Thôi thì cũng đáng để thông cảm vậy! Thế nhưng, cái chuyện đặt bảng hiệu ở vị trí nào sẽ chẳng có gì phải bàn nếu trên các trụ điện cao thế không có sự hiện diện của "đội quân" này. Theo tiêu chí "đạp lên nhau mà đứng" nên ai đó vô tư kí gửi tại địa chỉ trên những bảng hiệu không kỳ hạn để các mũi tên hướng dẫn "bắn phá" vào nhau tạo thành mớ bòng bong. Chắc chắn không sớm thì muộn, thế nào cũng xảy ra chuyện các biển báo giao thông "vác đơn kiện" đòi lại quyền được phục vụ người lưu thông vì "anh bảng hiệu" nhiều khi "ngang ngược" nằm án ngữ ở mặt tiền.

Lại chuyện hình thức chữ nghĩa trên bảng hiệu cũng làm khối người đau đầu bởi sinh ra đã mang "tội" lo chuyện không đâu. Ví như lối viết chữ Tây - ta lẫn lộn theo kiểu "Thủy's". Đã sử dụng hình thức ngoại ngữ thì khi đưa tiếng Việt vào phải bỏ dấu đi chứ. Đấy là chưa kể trong văn phạm Anh ngữ thì theo sau phẩy sở hữu cách còn có một danh từ nữa.

Lúc này tiếng Anh như mùa nước nổi nên đi đâu cũng thấy, cũng gặp. Mơ hồ trong suy nghĩ chủ kinh doanh cứ thích gì là thể hiện ra mà không cần tìm hiểu đúng, sai hay vậy có phù hợp chăng. Xuôi về hướng Đồng Nai sẽ gặp một cơ số bảng hiệu "Quán phố lẫu" hay "Suối lẫu" hoành tráng ra phết, song chỉ có ý nghĩa cho mỗi mình nó thôi.

Người bạn tôi thì tinh nghịch chỉ vào bảng hiệu "… cắt tóc kiểu mới, lạ" thôi thì viết lại "… cắt tóc không giống ai" xem ra có cân có ký hơn. Có lẽ thời nay cứ điều gì "không đụng hàng" sẽ trở thành tiêu chí hàng đầu cốt để cạnh tranh.

Hay chỉ một tiệm chụp hình không hơn không kém, song bên ngoài nổi bật "STUDIO" to tướng. Như vậy là họ đã tự nâng cấp mình bởi từ này mang nghĩa quy mô hơn nhiều. E là cách bắt chước không nên có cho dù không ai cấm đoán gì. Rồi có tấm bảng hiệu một mình nó phải "cõng" thêm đồng thời mấy dịch vụ khác nữa. Quả là khốn khổ cho tấm bảng hiệu!

Tố Tâm
.
.
.