Thanh toán không dùng tiền mặt: Một chạm, mọi thanh toán

Thứ Ba, 16/06/2020, 06:55
Theo Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt… Mục tiêu này đang tiến đến rất gần, khi mà mức độ tăng trưởng TTKDTM tăng mạnh.


Báo cáo từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước -NHNN) cho biết hoạt động TTKDTM thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật. Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Thứ 2, hạ tầng thanh toán (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH); hệ thống chuyển mạch, bù trừ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện.

Thứ 3, hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công.

Sự dịch chuyển từ chi tiêu tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển rất nhanh.

Thứ 4, hầu hết các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán. Và đặc biệt, vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.

“Nhờ đó, hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ: Trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn.

Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường”, đại diện Vụ Thanh toán cho biết. Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ về sự phát triển TTKDTM trong thanh toán tiền điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực cho biết, trong thời gian từ 2005-2019, Tập đoàn này đã triển khai nhiều biện pháp để xóa các vùng trắng TTKDTM như chuyển đổi số từ năm 2005.

Đến năm 2019 thì 63,91% số hóa đơn và 81,27% tiền điện đã được thanh toán qua ngân hàng hay tổ chức tín dụng, trong đó 54,64% số hóa đơn và 72,32% tiền điện được thực hiện qua các phương thức TTKDTM. Tương tự, một lĩnh vực khác cũng “hot” không kém đó là hàng không.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho biết trước khi Vietjet vào thị trường, tỷ lệ mua vé máy bay trực tuyến tại Việt Nam chỉ đạt dưới 8%, thanh toán trực tuyến thì còn ít hơn thế rất nhiều. Giờ con số này đã thay đổi rất nhiều, 99% các khoản thu của Vietjet hiện nay đều không liên quan đến tiền mặt. Năm 2019, tổng thu không tiền mặt của toàn hệ thống Vietjet đạt 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2018.

Đến từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam- NAPAS, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết thời điểm năm 2015, cứ 10 giao dịch qua NAPAS thì có 9 giao dịch là rút tiền mặt, nhưng đến năm 2019, giao dịch rút tiền mặt giảm chỉ còn 4 giao dich. Dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng qua NAPAS tăng trưởng ấn tượng đạt 260% số lượng giao dịch lũy kế hàng năm. Điều này cho thấy, người dân đã có sự dịch chuyển từ chi tiêu tiền mặt sang TTKDTM.

Riêng về giải pháp thanh toán cho dịch vụ công, ông Hùng chia sẻ: “Trong vai trò đơn vị chuyển mạch quốc gia, cung ứng hạ tầng thanh toán bán lẻ cho nền kinh tế, NAPAS cung cấp hạ tầng thanh toán đa tiện ích, đa kênh, 24/7 cho phép tích hợp các phương thức thanh toán kỹ thuật số và các dịch vụ tài chính liên quan để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, nhanh chóng thanh toán.

Trong thời gian tới, NAPAS sẽ đưa vào vận hành hệ thống thanh toán và bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ - ACH để tiếp tục cung cấp nhiều hình thức thanh toán mới mẻ, hiện đại và tiện lợi hơn với mức chi phí thấp hơn. Hiện tại, hệ thống NAPAS xử lý trung bình 2,8 triệu giao dịch/ ngày với giá trị đạt 21.000 tỷ đồng.”

Một lĩnh vực khác cũng là mục tiêu lớn của ngành ngân hàng đó là chuyển đổi thẻ từ công nghệ từ sang công nghệ chip, đại diện NAPAS cho biết đơn vụ này đã hoàn thành chứng nhận tuân chuẩn thẻ chip nội địa cho 26 ngân hàng, 9 đơn vị/hãng cung cấp phôi thẻ và 5 đơn vị/hãng cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ.

Trong thời gian tới, NAPAS tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm trên nền tảng công nghệ thanh toán không tiếp xúc, mở rộng hệ sinh thái chấp nhận thẻ chip hướng tới mục tiêu “Một chạm, mọi thanh toán” để cung cấp các sản phẩm thanh toán an toàn, thuận lợi cho tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt ưu tiên ứng dụng trong các dịch vụ thiết yếu hàng ngày như: giao thông công cộng, xăng dầu, bán lẻ…

Ích nước, lợi nhà

Lợi ích của TTKDTM đến với cả 3 phía. Thứ nhất, với người bán hàng hóa và dịch vụ, lợi ích này đến từ việc người tiêu dùng do mua hàng hóa, dịch vụ với giả rẻ hơn nên nhu cầu mua sẽ cao hơn, dẫn đến doanh số tiêu thụ lớn hơn, lợi nhuận cao hơn. Việc chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt làm cho việc giao dịch trở nên nhanh gọn, an toàn, và có chi phí tổng thể thấp hơn so với nhận thanh toán bằng tiền mặt, làm cho lợi nhuận người bán cũng vì thế mà tăng lên.

Với hệ thống ngân hàng, khối lượng giao dịch hưởng phí sẽ tăng tỷ lệ thuận với việc chuyển sang thanh toán không sử dụng tiền mặt. Với quốc gia, chi phí giao dịch giảm đi và lưu chuyển tiền tệ tăng lên sẽ giúp nền kinh tế cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh, thúc đẩy tiêu dùng xuất khẩu và gia tăng các hoạt động kinh tế, cải thiện tăng trưởng GDP, tạo thêm công ăn việc làm, tăng nguồn thu từ thuế.

Thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy sự ra đời của các công ty sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán, tạo thêm những dịch vụ gia tăng. Ngoài ra, các hành vi như trốn thuế, rửa tiền và các hoạt động xã hội đen... cũng trở nên khó thực hiện hơn trong một xã hội không sử dụng tiền mặt, nhờ đó nhà nước có thể nâng cao hiệu quả quản lý và thu thuế, đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. (B.K)

Hà An
.
.
.