Tai nạn lao động diễn biến phức tạp
- Thông tin mới nhất liên quan đến vụ tai nạn lao động làm 8 người thương vong
- Tai nạn lao động nghiêm trọng tại một số dự án của Tecco Miền Trung
Theo ông Hà Tất Thắng, trong khu vực quan hệ lao động và cả ngoài quan hệ lao động hiện nay mới chỉ thống kê TNLĐ chết người, còn những tai nạn bình thường, những tai nạn nhỏ vẫn chưa thể thống kê được. Trách nhiệm thống kê thuộc UBND cấp xã và Công an cấp xã để báo lên cấp huyện, sau đó huyện sẽ báo về Sở LĐ- TBXH để thống kê.
“Năm 2017 mới có 41 tỉnh thống kê. Năm 2018 đã có 52 tỉnh thống kê TNLĐ ngoài quan hệ lao động. Số tỉnh đã quan tâm đến việc thống kê này đã tăng lên. Khi bắt đầu thống kê TNLĐ ngoài khu vực có quan hệ lao động, chúng tôi đã dự tính TNLĐ sẽ tăng lên rất nhiều nhưng chúng ta cần con số thực để xây dựng chính sách”, ông Thắng cho biết.
Theo con số của Bộ LĐ- TBXH, năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ làm 8.229 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó, số người chết vì TNLĐ là 1.039 người (khu vực có quan hệ lao động: 622 người; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 417 người). Số vụ TNLĐ chết người là 972 vụ, số người bị thương nặng: 1.939 người. Nạn nhân là lao động nữ lên đến 2.667 người, số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên là 112 vụ.
Theo ông Hà Tất Thắng, số vụ và số người chết vì TNLĐ ở khu vực có quan hệ lao động giảm xuống là một tín hiệu tích cực trong việc triển khai nhiều biện pháp hạn chế TNLĐ thời gian qua. Việc TNLĐ khu vực không có quan hệ lao động tăng lên đến gần 60% là do công tác thống kê đang ngày càng được mở rộng ở nhiều tỉnh thành và không nằm ngoài dự đoán.
Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2018 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Dương.
“Chúng ta mừng là các địa phương đã quan tâm hơn đến thống kê TNLĐ nhưng chúng ta cũng lo vì TNLĐ xảy ra nhiều và làm nhiều người bị chết. Chúng tôi điều tra qua nhiều nguồn, nhiều kênh khác như: qua bệnh viện người ta xử lý thương tích và xác minh đó là TNLĐ hoặc điều tra qua sổ khai tử của cấp xã thì số người chết là trên 2.000 người nhưng khai báo của Sở LĐ- TBXH các địa phương thì chỉ có 1.039 người. Hiện nay trong pháp luật cũng quy định chỉ phải khai báo TNLĐ nặng 2 người trở lên và có người chết do đó nếu thống kê đầy đủ thì con số sẽ còn tăng lên rất nhiều. Thực tế hiện nay, TNLĐ vẫn xảy ra nhiều và có tính chất phức tạp”, ông Thắng cho biết.
Theo phân tích của Bộ LĐ- TBXH, TNLĐ xảy ra nguyên nhân rất nhiều do chủ sử dụng lao động. Theo đó, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm đến 46,49%. Cụ thể người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 7,02% tổng số vụ. Bên cạnh đó còn là việc thiết bị không đảm bảo an toàn lao động.
Để hạn chế TNLĐ, năm 2019 Bộ LĐ-TBXH sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại.