Những “địa chỉ đỏ” thu hút khách tham quan
Hấp dẫn khách tham quan, lan tỏa truyền thống yêu nước
Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi dịp nghỉ lễ, đặc biệt là dịp Lễ Quốc khánh 2-9, các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu vực Ba Đình, Hà Nội đều hiện diện những dòng người nối dài, nhẫn nại xếp hàng chờ vào tham quan. Đây cũng là địa chỉ được quan tâm hàng đầu của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Tại di tích nhà tù Hỏa Lò – chốn “địa ngục trần gian” khét tiếng thời kháng chiến cũng tấp nập khách tham quan. Trong khuôn viên di tích, cuộc sống, chiến đấu anh dũng bất khuất của các chiến sĩ cộng sản kiên trung nơi ngục tù tăm tối ngày nào nổi bật nhờ nghệ thuật sắp đặt và hiệu ứng ánh sáng. Tùy theo từng thời điểm, các nội dung trưng bày lại được thay đổi nên dẫu khách có trở đi trở lại di tích nhiều lần vẫn thấy mình mới “chạm” được đâu đó một phần của di tích. Hơn thế, nhờ việc di tích áp dụng công nghệ hiện đại để thuyết minh tự động, khách tham quan chủ động, tự do tìm hiểu về các nội dung, hiện vật mình quan tâm mà không phải chờ các hướng dẫn viên như trước.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò hấp dẫn khách tham quan bằng các đợt trưng bày chuyên đề, giao lưu nhân chứng. |
Thực tế, đó chỉ là 2 trong số rất nhiều khu, điểm di tích lịch sử cách mạng đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống xã hội hiện đại. Như chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh thì chỉ riêng hệ thống các di tích, địa điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất phong phú. Cả nước có khoảng 860 di tích về Người.
Trong số này có những di tích có giá trị vô cùng quan trọng, gắn liền với sự phát triển, lịch sử của dân tộc, đã được xếp hạng. Hiện nay, các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp hạng được bảo tồn khá tốt. Nhiều di tích được tôn tạo, có phần trưng bày, bổ sung di tích và đội ngũ thuyết minh viên, mở cửa đón tiếp khách tham quan đến tìm hiểu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mỗi năm, riêng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch đón hàng triệu lượt khách tham quan. Tuy nhiên, hiện nay, nhắc tới di tích và địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, khách tham quan mới chỉ biết một số điểm chính như Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nhà số 48 Hàng Ngang – nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có sự kiện Người dự thảo Bản Tuyên ngôn độc lập, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng lụa Vạn Phúc. Để phát huy giá trị của các di tích, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề xuất xây dựng hai tuyến du lịch cơ bản.
Tuyến thứ nhất chuyên về di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Với tuyến này, khách tham quan có thể tìm hiểu về những điểm di tích lưu niệm khác, cũng gắn liền với sự kiện nhưng ít được biết tới điển hình như những địa điểm Người từng dừng chân nghỉ lại vào những ngày tháng 8-1945 trước khi về đến nhà 48 Hàng Ngang.
Tuyến thứ hai kết hợp di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với các di tích, danh thắng khác trên một địa bàn nhỏ. Ví dụ như khi đến thăm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc, quận Hà Đông, khách tham quan được kết hợp thăm làng nghề tơ lụa, vãn cảnh ở chùa Vạn Phúc, đình làng Vạn Phúc, đền Phường cửi…
Nỗ lực vì thế hệ tương lai
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà cũng cho biết, hiện nay các di tích nói chung đều đang tích cực áp dụng thành tựu công nghệ để việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả cao hơn. Riêng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, gần đây đã thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối không dây trong thuyết minh, công nghệ in 3D trong bảo tồn, công nghệ thực tế ảo trong trưng bày.
Cùng với việc đẩy mạnh số hóa tư liệu, hiện vật, Bảo tàng đã bước đầu dùng công nghệ hiện đại như mã QR để phổ biến thông tin về đơn vị, hiện vật trưng bày, vận động Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tài trợ để thực hiện văn phòng điện tử, trang bị wifi. Các hoạt động của Bảo tàng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách tham quan.
Năm 2019, trong toàn hệ thống của Bảo tàng (gồm 14 đơn vị trên cả nước) đã đón khoảng 6 triệu lượt khách. Để tiếp tục phát huy các giá trị hiện vật, hiện tại, Bảo tàng đang có khá nhiều dự án khác như tiếp tục số hóa hệ thống tư liệu hiện vật, làm lại toàn bộ hệ thống thuyết minh tự động bằng mã QR, các audio guide, xây dựng phòng khám phá trải nghiệm dành cho thanh thiếu nhi áp dụng công nghệ 3D. Hiện tại, phần lớn các dự án này vẫn trong quá trình chờ duyệt, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ chính thức triển khai. Nguồn kinh phí chủ yếu là kêu gọi xã hội hóa.
Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng cho biết, nhiều năm trở lại đây, đơn vị không chỉ đổi mới, chỉnh lý, sưu tầm, bổ sung thông tin trên hệ thống trưng bày, đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật mà còn đặc biệt chú trọng công tác giáo dục. Khách đến di tích có dịp tham quan tìm hiểu qua các trưng bày chuyên đề được đầu tư công phu, tiếp cận thông tin về hiện vật bằng 3 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Rất nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm với nhân chứng lịch sử, đặc biệt là các chương trình giao lưu với các nhân chứng từng ở hai chiến tuyến thu hút đông đảo người tham gia. Trong nhiều lần tham dự các chương trình này, chúng tôi nhận thấy, không chỉ có khách tham quan mà ngay cả các nhân chứng, nhân vật tham gia đều bày tỏ thái độ hài lòng.
Nhiều người cựu tù đã lớn tuổi, trở đi trở lại di tích nhiều lần nhưng chia sẻ với chúng tôi đều cho hay, họ thật sự xúc động bởi sự trân trọng của đội ngũ cán bộ công nhân viên tại di tích và cách tổ chức chương trình, sự kiện rất hiệu quả tại đây.
Chia sẻ về di tích cách mạng và kháng chiến trên địa bàn Thành phố Hà Nội, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng hệ thống các di tích này là minh chứng cho các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng của nhân dân Thủ đô và sự phát triển liên tục của các phong trào ấy qua các ý thức hệ: Quân chủ, dân chủ tư sản và đỉnh cao là ý thức hệ vô sản với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhận thức được vị thế, những giá trị to lớn, giàu tính nhân văn của các di tích cách mạng, kháng chiến, lãnh đạo Thành phố Hà Nội hoàn toàn ý thức được trách nhiệm bảo tồn của mình đối với việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống các di tích lịch sử văn hóa nói chung, di tích cách mạng kháng chiến nói riêng. Cùng với việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo tổ chức tổng kiểm kê, đánh giá, lập hồ sơ xếp hạng di tích, thành phố đã phân loại tình trạng bảo tồn, xây dựng các chương trình hành động tương thích, đầu tư ngân sách thỏa đáng cho việc chống xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo di tích, đa dạng hóa các hoạt động phát huy giá trị di tích.
“Nếu coi các di tích này là địa chỉ đỏ, điểm đến thú vị, bất ngờ cho du khách thì phải đổi mới tư duy, hình thức phát huy giá trị di tích, cách tiếp cận công chúng, lắng nghe ý kiến của du khách để điều chỉnh kịp thời bằng các dự án, kế hoạch có chủ đích, có tính khả thi và hiệu quả”. PGS.TS Phạm Mai Hùng khẳng định.