Đừng vô tình “tiếp sức” cho những hành vi lệch chuẩn

Thứ Tư, 10/04/2019, 17:54
Câu chuyện Khá “Bảnh” với mình đầy hình xăm trổ và có đời tư bất hảo bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ vì hành vi tàng trữ ma túy và tổ chức đánh bạc đang còn chưa ngớt được bàn tán và gây sự chú ý trên mạng xã hội thì mới đây, ngày 4-4, Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đã đưa nhân vật này vào... đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 nhằm chọn ra số học sinh giỏi nhất để dự thi cấp thành phố vào đầu năm 2020. Sự việc trên khiến dư luận “dậy sóng”...

Câu chuyện tuy xảy ra tại một trường nhưng nhanh chóng được biết đến và đã khiến nhiều người – nhất là các bậc phụ huynh học sinh cảm thấy lo lắng trước nguy cơ con em mình sẽ phải đối mặt với dạng đề thi phản cảm khi thi tuyển vào lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT...  chỉ còn một hai tháng nữa.  

Tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, chúng tôi nhận thấy điểm chung nhất khiến họ lo lắng chính là những người ra đề còn chạy theo theo thị hiếu nhất thời, sử dụng ngữ liệu là những vấn đề nhạy cảm một cách thiếu thận trọng. 

Ngay khi nghe về chuyện Khá “Bảnh” được đưa vào đề thi, một người bạn của chúng tôi đang là giáo viên dạy môn văn tại trường cấp 3 tại tỉnh Bến Tre bày tỏ quan điểm ngay: “Nhiều năm gần đây, đề thi mở thường gắn với những vấn đề thời sự có ý nghĩa trong cuộc sống đã khơi gợi hứng thú cho học sinh. Các em được vận sụng những kiến thức và kỹ năng từ bài học trong nhà trường vào thực tiễn cuộc sống,chẳng hạn như suy ngẫm về trách nhiệm của mình trước vấn nạn ô nhiễm môi trường; thực trạng thiếu ý thức chấp hành luật giao thông, nhất là torng giới trẻ; ý thức phòng chống cháy nổ. 

Tôi nghĩ rằng đây là xu thế mới mà cả thầy và trò đều hứng khởi. Khi chúng tôi ngồi vào chấm bài làm theo các đề thi dạng này, chúng tôi cũng rất dễ dàng nhận ra những em có tiềm năng sáng tạo, có nhận thức đúng về vấn đề và đây là cơ sở rất quan trọng cho công việc phát hiện, chăm bồi tiếp  theo”.

Việc Khá "Bảnh" được đưa vào đề thi khiến dư luận bất bình.

Cùng quan điểm này của người bạn của tôi, một giáo viên nói thêm rằng, ngữ liệu được dùng vào đề thi phải đảm bảo tính định hướng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh đúng mục tiêu. Tất nhiên, phải cân nhắc đến tính phù hợp với điều kiện của học sinh từng cấp học. 

Những học sinh, nhất là những học sinh ở vùng quê nghèo, nhà còn thiếu trước hụt sau lấy đâu ra tiền để sử dụng điện thoại “cùi bắp”, nói gì đến điện thoại thông minh để các em có điều kiện tương tác, để biết thêm những gì đang diễn ra ở nơi này nơi khác; suốt ngày chỉ học và học thì sao các em đáp ứng được dạng đề này... Chính từ thực tế này mà nhiều người cho rằng một khi một ngữ liệu nào đó được đưa vào đề thi cho học sinh, cần chú trong khâu thẩm định và đặc biệt là phải nghiêm túc phản biện.

Với giáo viên là vậy, chúng tôi thử thăm dò suy nghĩ của một số học sinh tại TP Hồ Chí Minh thì thật sự lo lắng khi chính các em – đối tượng phải “vượt lên chính mình” khi gặp phải đề thi có xu hướng “chạy theo thị hiếu nhất thời” như thế. Một học sinh đã hỏi ngược lại chúng tôi: “Chú hơi lệch chuẩn là gì vậy?”. Chúng tôi lại phải quay trở lại những hành vi liên quan đến nhân vật Khá “bảnh” trong thời gian anh này chưa bị bắt để giải thích. 

Một học sinh khác lại nói cách mình tự tìm hiểu để “nếu mai mốt thi gặp phải đề này còn làm được”, rằng: “Con sẽ vào mạng coi Khá “bảnh” là ai mà sao được đưa vô đề thi”. Một học sinh khác nói suy nghĩ rất đúng nhưng khiến chúng tôi phải giật mình, rằng “sao lại đưa cái tên giang hồ này vào bắt tụi con phải bàn luận”, “sao không những câu chuyện như chú hiệp sỹ dũng cảm trên đường phố, chú Công an hy sinh trong khi vây bắt tội phạm hả chú?”.

Sau Khá “Bảnh” bị bắt, một số đối tượng cũng “nổi như cồn” trên mạng xã hội như bị Công an “sờ gáy” hoặc mời làm việc do có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: Trần Đình Sang, cộng đồng mạng gọi là “thánh chửi”; Phúc XO – người được cộng đồng mạng chọn là “đeo vàng nhiều nhất Việt Nam”... Nhiều phụ huynh cho rằng nếu không lên tiếng phản ứng trước việc cho Khá “Bảnh” vào đề thi, có khi những “giang hồ ảo” khác lại thành ngữ liệu để ung dung có mặt trong đề tại nhiều cuộc thi sau này... 

Nhiều người khi được hỏi đồng cảm với chúng tôi mặt tích cực của những đề thi mở dạng như vậy là sau khi đọc bài làm của các em, sẽ nhận diện được học sinh nào có tư duy độc lập, không rập khuôn theo các bài mẫu, sáng tạo, có chính kiến của mình khi đánh giá các vấn đề, hiện tượng ngoài xã hội; để từ đó các em biết như thế là “xấu”, là “lệch chuẩn” nên tránh, hoặc ít ra cũng không được xem đó là “thần tượng”, bị tác động bởi đám đông. 

Tuy nhiên, chúng tôi cảm giác tỷ trọng tích cực ấy lại ít hơn tiêu cực mà dạng đề như thế mang lại bởi ai cũng biết lứa tuổi học sinh lâu nay vẫn xếp vào “tuổi ăn, tuổi ngủ”, chưa có điều kiện để tiếp xúc, tương tác thì chưa thể có nhận thức, thẩm định đúng trước một vấn đề nào đó ngoài xã hội. Khá “Bảnh” bị rất đông người trẻ, trong đó có cả học sinh, sinh viên suy tôn thành “thần tượng” cũng là có nguyên nhân này.

Đưa vào đề thi một con người không phải là điển hình, mẫu mực gắn với một công việc gì đó có ích cho xã hội đã là không được khuyến khích. Đằng này lại chọn một “giang hồ mạng” để đưa vào, có phải vô tình “tiếp sức” cho những những hành vi lệch chuẩn ấy thêm nảy nở, bùng phát. Một phụ huynh nói điều rất có thể xảy ra, đó là nếu như sau khi “nuốt không trôi” dạng đề như thế, các học sinh sau kỳ thi sẽ vào mạng để tìm đọc, xem những gì liên quan đến Khá “bảnh”, điều đó càng làm cho cho “hình mẫu” này nhanh chóng lan tỏa...

Vừa có lý giải về việc làm của trường do mình quản lý, tuy nhiên lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng không giấu được sự băn khoăn khi nhìn nhận rằng nếu đề thi chỉ nêu về hiện tượng nhận thức lệch lạc trong một phận giới trẻ với những "thần tượng" kiểu như Khá "bảnh" rồi để học sinh tự viết lên suy nghĩ của mình thì có lẽ sẽ không tạo dư luận như mấy ngày qua. Việc ra đề thi dạng mở về nhận thức xã hội gây ra những tranh luận trái chiều chắc chắc sẽ được “rút kinh nghiệm” theo chỉ đạo của Sở.

Lâu nay, nhiều người đã có cách hiểu không đúng tinh thần “đổi mới giáo dục”. Sự sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy học không nằm ngoài mục tiêu mang lại hiệu quả tốt hơn, cho học sinh lĩnh hội được những bài học mới mẽ hơn. Trong khi đó, không ít người nghĩ rằng làm cái gì khác với cái cũ thì là đổi mới, là sáng tạo!


Thái Bình
.
.
.