Sinh viên Việt đang thiếu hụt nhiều kỹ năng mềm

Thứ Tư, 12/10/2016, 19:27
Ngày 12-10, tại Hà Nội, Báo Sinh viên Việt Nam và Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình Chào tân sinh viên năm 2016 với chủ đề “Những điều sinh viên năm thứ nhất thường bỏ lỡ”.


Chia sẻ với các tân sinh viên với tư cách là diễn giả của chương trình, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng, Học viện Ngân hàng TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Có 4 việc mà tuổi trẻ cần phải làm để quản trị cuộc đời là Xác lập chiến lược cuộc đời; Tổ chức cuộc sống của mình ; Hoạt động điều khiển chính mình và Kiểm tra hoạt động điều khiển. 

Trong đó, việc hiểu bản thân là điều quan trọng đầu tiên cần làm đúng. Có hiểu được bản thân mới biết mình phù hợp với lĩnh vực nào để theo đuổi. Với một con người, nếu được làm đúng sở trường thì khả năng thành công rất cao. Còn nếu chọn phải lĩnh vực sở đoản thì dù cố gắng hết sức cũng chỉ đạt được trên mức trung bình.

TS Lê Thẩm Dương chia sẻ kinh nghiệm và “truyền lửa” cho sinh viên Hà Nội.

Cũng theo TS Lê Thẩm Dương, để đánh giá đúng điểm mạnh của bản thân phải dựa trên 4 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng, thái độ và tính cách. Trong đó, thái độ và kỹ năng quan trọng bậc nhất đối với nhiều nhà tuyển dụng, nhưng điều đáng tiếc là sinh viên không được đào tạo bài bản về các kỹ năng này. 

Thực tế cho thấy, các trường đại học của chúng ta hiện nay đang chủ yếu trang bị kiến thức cho sinh viên mà chưa chú trọng những yếu tố kỹ năng mềm khác.

Thế giới phẳng nhưng sinh viên Việt Nam chưa “phẳng”. Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia thông minh nhất thế giới, nhưng chưa nhiều sinh viên khẳng định được vị thế của mình, chưa có nhiều người có đủ kiến thức, kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu thực thụ. 

Vì thế, nhiều sinh viên Việt thua ngay trên "sân nhà" khi nhà tuyển dụng không sử dụng sinh viên Việt mà dùng nguồn lao động giá rẻ, năng suất cao đến từ nhiều nước ngay trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, một điểm yếu khác mà người trẻ Việt Nam, trong đó có sinh viên Việt Nam cần phải cải thiện nếu không muốn tiếp tục bị tụt hậu và thua ngay trên sân nhà là năng suất lao động. 

“Hiệu suất lao động của người Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, năng suất lao động đều thua hầu hết các nước trong khu vực khi chúng ta kém Philippines 6 lần, kém Singapore tới 16 lần...”

TS Lê Thẩm Dương cho rằng, 4 năm đại học là quãng thời gian mà các sinh viên tạo năng lượng để thay đổi về chất. Do vậy, việc học tập, tích lũy kiến thức là nhiệm vụ chính song các em cũng phải làm quen, chú trọng đến những kỹ năng mềm thông qua các hoạt động khác nhau, trong đó có việc làm thêm. "Tôi xin nói, đằng sau thành công bao giờ cũng có bóng dáng của lao động, không thể có con đường nào khác”, TS Lê Thẩm Dương khẳng định.

Huyền Thanh
.
.
.