“Săn” mật ong rừng
5h sáng, đoàn gồm 5 người, với dụng cụ đầy đủ, đi về rừng Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Sau gần 3 giờ đồng hồ bằng xe máy vượt đèo dốc, chúng tôi đến rừng Khe Kỷ giáp với tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, để đến được điểm có ong làm tổ, còn phải vượt con dốc dựng đứng.
Anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1983), một “thợ săn” mật ong có kinh nghiệm cho biết, đã có không ít người leo dốc này bị ngã xuống suối gãy tay, chân; gãy xương sống lưng, liệt nửa người.
Rừng nguyên sinh Khe Kỷ với nhiều loại hoa dại. Theo anh Thanh, loài ong rất chú trọng nơi làm tổ, thường nơi vừa hiểm trở, ít người có thể qua lại, khí hậu vừa ôn hòa, có nguồn nước xung quanh. Khe Kỷ là nơi rất lý tưởng với chúng, bởi ở đây chúng dễ dàng lấy được mật từ rất nhiều loài hoa…
Đoàn của anh Nguyễn Văn Thanh đi “săn” mật ong rừng. |
Lội rừng đến tầm xế trưa, đoàn phát hiện một tổ ong lớn vắt vẻo trên cành cây cao. Sau khi chụp chiếc mũ mắt lưới bảo hộ kín từ đầu đến hết phần cổ, cùng với một cây rựa và bó đuốc được kết bằng vải ở giữa, lá tràm tươi cuộn tròn xung quanh dùng để hun khói, anh Thanh thoăn thoắt leo lên cây. Anh hun khói vào tổ ong chừng 2 phút để đám ong thợ bay tản ra, rồi dùng cây rựa cắt cho tổ ong rơi xuống.
Những người ở dưới hứng tổ ong bằng tấm nilon to. Mật ong lấy được tiếp tục cho vào túi bóng rồi cột chặt đầu miệng, bỏ vào ba lô. Thấy vẫn còn phần nhỏ chiếc tổ ong trên cành, tôi hỏi những người “thợ săn” mật ong sao không lấy chúng? thì được trả lời là để cho ong tiếp tục xây tổ trở lại. Và, thời gian sau, họ tiếp tục đến lấy mật...
Sau một ngày lội rừng, anh Thanh và các thành viên trong đoàn tìm và lấy được 2 tổ ong. Sẩm tối, đoàn mới về đến thôn Thiện Chánh, tập trung tại nhà của anh Lê Thành Huy (SN 1993), để vắt mật vào chai, được tổng cộng 6 lít mật. Những người từ Đông Hà lên mua mật ong cũng đã chờ sẵn ở nhà. Mật được bán với giá mỗi lít 550 nghìn đồng, tính ra mỗi người trong đoàn được chia 660 nghìn đồng.
Anh Nguyễn Trọng Nho, từng làm trưởng thôn Thiện Chánh, cho hay, Thiện Chánh có trên 200 hộ dân, với gần 1000 nhân khẩu, chủ yếu sản xuất nông-lâm nghiệp. Việc “săn” mật ong chỉ là nghề phụ, hằng năm chỉ mùa Xuân cho đến cuối Hạ mới có mật ong, song đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể của bà con.
Đơn cử, vào những ngày tạm nghỉ học do dịch bệnh COVID-19, các em học sinh trung học ở thôn cũng tranh thủ thời gian đi lấy mật ong rừng, coi như vừa phòng tránh dịch bệnh hiệu quả, vừa có tiền để đầu tư thêm cho việc học. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng dặn dò và quán triệt người lớn, việc các cháu hoặc bất kỳ người dân nào trong thôn đi tìm ong lấy mật cũng phải thật sự được an toàn, bởi vì nghề này luôn tiềm ẩn không ít rủi ro”, ông Nho bày tỏ.