Sàn giao dịch vận tải: Sau 5 năm hoạt động vẫn “đìu hiu chợ chiều”

Thứ Bảy, 22/08/2020, 08:12
Cách đây 5 năm, Bộ GTVT đã khai trương hoạt động sàn giao dịch vận tải (SGDVT) Vinatrucking, là nơi giao dịch giữa chủ hàng và chủ xe trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Mục đích mà Bộ GTVT kỳ vọng là tính công khai minh bạch sẽ được hiện thực hoá khi mọi thông tin về hàng hoá, giá cước sẽ được hiện thị hết lên sàn. Điều đó sẽ giúp làm giảm xe chạy “rỗng”, đồng nghĩa với giảm phương tiện chạy trên đường, kéo giảm giá cước. Thế nhưng, đến nay chính những “kỳ vọng”này lại là điều để các doanh nghiệp “né” sàn.


Doanh nghiệp vận tải ngại lên sàn vì lo lộ thông tin

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), sau rất nhiều nỗ lực của các bộ ngành liên quan, hiện cơ cấu giá thành vận tải hầu như không có sự thay đổi nhiều. Vận tải đường bộ vẫn đang phải đảm nhận tỷ trọng vận chuyển rất lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác.

Cụ thể, vận tải ôtô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, các đơn vị vận tải hầu hết có quy mô nhỏ, manh mún, tỷ lệ xe chạy rỗng còn ở mức trên 45%... nên chi phí vận tải rất cao.

Vận tải ôtô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa.

Hiện chi phí vận chuyển container loại 40feet từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.

Bà Trần Thị Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cũng thừa nhận việc đưa vào khai thác sàn giao dịch vận tải trong thời gian qua đã không đạt được kỳ vọng khi các doanh nghiệp không mặn mà với hình thức này, dẫn đến tỷ lệ xe chạy rỗng vẫn cao.

Bà Hiền chia sẻ thêm, sau hơn 5 năm hoạt động, số lượng thành viên tham gia và các giao dịch thành công vẫn rất ít, lượng hàng hóa trao đổi giao dịch trên sàn khan hiếm, các doanh nghiệp vận tải không mặn mà tham gia… vì nhiều  lý do.

Trong đó, khi tham gia sàn giao dịch, các doanh nghiệp vận tải phải bắt buộc đăng ký tài khoản mới được giao dịch trên sàn khiến nhiều doanh nghiệp nghi ngại về việc bị kiểm soát thông tin đăng tải trên sàn giao dịch. Mặt khác, nhiều các chủ xe (chủ doanh nghiệp vận tải) và chủ hàng hiện nay vẫn còn ngại và chưa quen với việc thực hiện các giao dịch trực tuyến hoặc các đơn vị vận tải hàng hóa đa số có quy mô nhỏ nên chưa quan tâm nhiều đến các công cụ hỗ trợ trực tuyến mà vẫn đang thực hiện và duy trì phương thức giao dịch cũ thông qua gặp mặt trực tiếp hoặc giao dịch qua điện thoại, qua mối hàng quen,…

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp vận tải, thì những chuyến hàng được vận chuyển xa hay gần, nhiều hay ít khi được giao dịch trên sàn giao dịch vận tải thì giá cước vận chuyển sẽ giảm (theo ước tính của một số chuyên gia thì mức giảm này trong khoảng 10-30%).

Tuy nhiên, hiện nay việc giao dịch trên sàn giao dịch cũng chưa hấp dẫn là do chủ hàng và chủ xe (chủ doanh nghiệp vận tải) không muốn công khai, minh bạch khối lượng hàng hóa, giá cước, loại hàng, tuyến đường vận chuyển vì sợ lộ bí mật kinh doanh, sợ bị mất mối hàng,…

Khi được hỏi cụ thể hơn về tình hình hoạt động của Sàn giao dịch VinaTrucking, ông Tạ Công Thuận - Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch vận tải VinaTrucking cho biết, tính đến thời điểm hiện nay đã có gần 700 thành viên tham gia đăng ký Sàn Giao dịch vận tải Vinatrucking, trong đó phần lớn là thành viên chủ xe (đơn vị kinh doan vận tải), còn lại hơn 150 thành viên là chủ hàng và thành viên vãng lai, với hàng trăm chuyến hàng, chuyến xe đã được đăng ký thành công trên sàn.

Tuy nhiên, thực tế những khó khăn của SGDVT Vinatrucking (cũng là khó khăn của các sàn giao dịch khác) là sự mất cân đối giữa các thành viên tham gia khi số lượng “xe tìm hàng rất lớn” trong khi danh sách “hàng cần vận chuyển” còn ít (nếu theo dõi sàn tại địa chỉ Vinatrucking.com có thể thấy trong phần danh sách “xe tìm hàng” luôn có hàng trăm đơn vị vận tải khắp cả nước đăng ký làm thành viên nhưng số lượng “hàng cần vận chuyển” thì chưa có nhiều.

Muốn cước vận tải giảm phải khắc phục được tình trạng xe chạy rỗng

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhận định, việc giảm tỷ lệ xe chạy rỗng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện giá thành vận tải nhưng hiện vẫn đang là một bài toán rất nan giải. Bộ GTVT đã nghiên cứu kỹ các nguyên nhân khiến SGDVT hoạt động chưa hiệu quả và nhận ra rằng, trong thời gian tới, các sàn GDVT cần phải thay đổi hoạt động.

Cụ thể, SGDVT phải chủ động tìm kiếm nguồn tài chính, kêu gọi đầu tư để cải tiến phần mềm trên sàn giao dịch để đảm bảo dễ sử dụng cho người dùng, đa dạng các hình thức kết nối; chủ hàng, chủ xe có thể dễ dàng thực hiện tìm kiếm hàng, tìm kiếm phương tiện và giao dịch trên Sàn. Đồng thời, trung tâm giá của sàn sẽ cung cấp thông tin giá cước nhằm minh bạch hóa về giá cước, về thông tin trên thị trường.

Từ đó phân tích thị trường dựa trên các công cụ phân tích big data, như vậy mới phần nào giúp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có thêm một công cụ đánh giá thị trường vận tải hàng hoá. Cần xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm soát các chủ xe để tăng độ tin cậy cho các chủ hàng khi thực hiện giao dịch trên sàn; các thành viên tham gia trên sàn vận chuyển đều được xác minh, kiểm tra nhằm đánh giá uy tín và chất lượng dịch vụ.

Khi khách hàng giao dịch với chủ xe (doanh nghiệp vận tải) trên sàn sẽ có các tầng bảo vệ, thứ nhất là của chủ xe và thứ hai là của sàn với công tác kiểm tra, đánh giá và các văn bản ký kết, thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp các bên để xảy ra sai phạm, mất mát, hư hỏng hàng hoá trong quá trình thực hiện hợp đồng, sàn giao dịch sẽ phải là đơn vị trung gian tham gia cùng giải quyết để đảm bảo quyền lợi của các bên. Ngoài ra, các sàn giao dịch cần phải có sự liên kết với các ngân hàng, tổ chức tài chính để hỗ trợ việc thanh toán và bảo đảm việc thực hiện hợp đồng cho các chủ xe…

Đặng Nhật
.
.
.