Rượu, bia và sự 'cám dỗ' tai hại với giới trẻ Việt Nam

Thứ Sáu, 18/09/2015, 18:23
Thực trạng về tác hại của bia, rượu với giới trẻ Việt nam đã được Th.S Mai Mỹ Hạnh, Khoa Tâm lý học của ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cung cấp khá nhiều thông tin đáng quan tâm vào ngày 18/9 tại TP Hồ Chí Minh.

Qua nghiên cứu, khảo sát trên 670 Sinh viên (SV) và người trẻ tuổi của Việt Nam đang sử dụng rượu bia, cho thấy, giới trẻ Việt Nam đã và đang lạm dụng rượu bia trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày quá mức và xu hướng lạm dụng bia, rượu đang ngày càng “trẻ hóa”, nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả khó lường cho chính bản thân người sử dụng, cho gia đình, xã hội và người xung quanh.

50% số thanh niên được khảo sát sử dụng 3 lít rượu/ngày

Theo Th.S Mai Hạnh, thống kê của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tại Việt Nam, tỉ lệ người có sử dụng rượu bia chiếm 33,5%, trong đó số người lạm dụng rượu lên tới 18%. Hơn thế nữa, người sử dụng rượu bia đang ngày càng “trẻ hóa”: 1/3 số người được khảo sát cho hay, họ bắt đầu uống rượu trước tuổi 20; 34% số người khảo sát cho biết, khi 14 - 17 tuổi đã sử dụng bia, rượu và 57%  là sử dụng từ 18 - 21 tuổi. Trong đó, quan niệm và lý do sử dụng rượu, bia được đưa ra rất nhiều như : uống rượu là cách thể hiện mình đã trưởng thành, để thể hiện bản chất “đàn ông”, uống rượu để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng hay những nỗi buồn. 

Hàng năm số người chết vì TNGT , trong đó có liên quan đến rượu bia vẫn gia tăng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Trong quan niệm của nhiều người, từ lúc nào đó, việc sử dụng rượu bia đã trở thành “văn hóa nhậu”  trong gặp mặt và kinh doanh. Có tới 93% số người được khảo sát cho biết có thời gian sử dụng rượu bia hơn 1 năm; có 49.6% uống rượu bia một lần/tuần; 25.5% là trên ba lần/tuần; và 11.9% hai lần/tuần. Việc tiếp cận rượu bia từ rất sớm và thường xuyên là dự báo về một thực trạng sẽ xuất hiện tình trạng nghiện rượu bia trong trong một bộ phận SV và giới trẻ hiện nay. Thói quen dùng và lạm dụng bia, rượu sẽ dẫn tới việc nghiện bia rượu cũng rất gần. Giới trẻ VN cũng đã và đang dành thời gian rất nhiều trong ngày, trong tuần cho việc tụ tập bạn bè uống rượu.

Uống rượu-bia đã trở thành văn hóa nhậu khó có thể thiếu trong giới trẻ hiện nay.

Về liều lượng dùng, thì có trên một nửa số người khảo sát cho biết uống từ 3 lít trở lên/ngày; trên 21% uống 0,5 lít /ngày, và trên 11% uống từ 2 tới 3 lít/ngày/. Dù ai cũng biết tác hại của uống bia, rượu nhưng đều thừa nhận là rượu bia đem lại cảm giác sảng khoái; rượu bia để “hỗ trợ” tinh thần. Theo Th.S Mai Hạnh, thì những quan niệm sai lầm, lệch lạc này vẫn chưa có sức mạnh nào phá vỡ nổi. Rất nhiều người trong đó thừa nhận rằng, không được dùng thường xuyên thì bực bội khó chịu, tức đã bị rượu, bia chi phối, đây là nguyên nhân, là yếu tố “chỉ điểm” rất rõ ràng minh chứng, làm cho tính kiên trì , tính quyết đoán - hai phẩm chất quan trọng của ý chí con người ở giới trẻ VN đang dần bị mất đi, bởi, không “chiến thắng” nổi sức cám dỗ mạnh mẽ của rượu, bia.

Liều “độc dược” ngọt ngào

Không chỉ đúng với câu nói để đời của các cụ để lại : rượu vào- lời ra, một thực tế qua thừa nhận của những người được khảo sát cũng cho biết, khi dùng rượu, bia được vài ly thì hành vi khá phổ biến của người dùng là đều phấn khích, la to khi cụng ly, tán gẫu, vui nhộn, rượu bia được coi như một “liều thuốc” xoa dịu mọi lo lắng, căng thẳng; mà ít ai để ý tới yếu tố như “độc dược” ngọt ngào của rượu gây ra. Đó là cội nguồn của việc gây bệnh tật, gây ra những hành vi lệch chuẩn, hay yếu tố thần kinh bị kích thích…

Cũng theo Viện chính sách y tế, Bộ Y tế VN, mức độ sử dụng rượu, bia của người VN đã tăng gấp đôi tiêu chuẩn an toàn cho phép. Khoảng một phần tư số bệnh nhân đang nằm tại khoa tiêu hóa gan mật tại các bệnh viện là xơ gan.Trong đó, rượu là nguyên nhân gây bệnh đứng thứ hai, chỉ sau viêm gan siêu virus. Các Chuyên gia còn cho biết, khi đo nồng độ cồn ở người uống đạt mức 0,05mg/1 lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều. Với mức 0,1mg/1 lít khí thở, người uống đã gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; và ở mức 0,2mg/1 lít khí thở, người uống dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Ngoài ra, tùy mức độ, người uống có thể bị “lú lẫn” hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, như : đổ mồ hôi, run tay, chảy máu dạ dày, hay có dấu hiệu động kinh. Và chỉ cần gõ lên google từ khóa: “say rượu”, đã có khoảng 14.200.000 kết quả  thể hiện một “bức tranh” về hậu quả gây ra cho người say rượu, bia vừa đáng sợ vừa thương tâm. Hành vi của “kẻ” say rượu, nghiện rượu biểu lộ ra bên ngoài muôn màu, muôn vẻ như : nói dối để có thể uống rượu bia, cáu gắt, khó chịu với ai đó nếu ngăn cấm mình uống rượu bia; đập phá đồ đạc khi đã uống rượu bia say; có hành vi bạo lực với người khác khi uống rượu bia say.

Riêng về hậu quả do việc lạm dụng rượu, bia gây tổn hại cho những người xung quanh và xã hội thấy rõ nhất trong liên quan tới thực trạng gây mất trật tự ATGT. Các Chuyên gia cho biết, các chất có trong bia, rượu tồn tại 24 h trong cơ thể con người, chỉ cần một cơn say đã “hủy hoại” khoảng 10 triệu tế bào não. Ngay khi uống khoảng 1/3 ly bia hoặc 100ml rượu vang, cồn đã tác động lên hệ thần kinh và đặc biệt lên não. Ngay lập tức tầm nhìn đã bị thu hẹp, phản xạ thần kinh bị chậm đi.

Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an TP Hồ Chí Minh, dù Luật ATGT đã nghiêm cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhưng số người chết vì TNGT mỗi năm và số người chết vì TNGT có liên quan tới bia, rượu vẫn gia tăng. Riêng 9 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 45 vụ TNGT có nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu hoặc trong hơi thở gây ra, làm 42 người chết và 10 người bị thương.

Huyền Nga
.
.
.