Quyết liệt chống hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL
Gay gắt hạn, mặn
Người dân ở ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) – địa phương cách biển hơn 50km, thật sự lo khi hệ thống cống, lu chứa nước mưa trong nhà sắp cạn kiệt. Anh Ba Dừa – một người dân trong ấp cho biết: Mới đầu tháng Chạp, nước dưới sông Hàm Luông đã bắt đầu mặn.
Mấy ngày Tết rồi, nước trong sông Cái Quao bắt đầu trong veo, mặn chát. Một số loại cá nuôi dưới mương vườn nhà tôi đã chết do không chịu nổi mặn. Nước mặn còn lên cao đột ngột, gây ngập cục bộ nhiều nơi. Bà con ở đây đã phải chuyển sang xài nước mưa dự trữ. Để tìm nguồn nước sinh hoạt, từ đầu mùa khô này, không ít hộ dân ở cù lao Minh này đã thuê thợ khoan giếng. Nhưng nước lấy từ giếng mới khoan cũng bị nhiễm phèn nặng, phải qua nhiều khâu xử lý mới sử dụng được.
Tại tỉnh Hậu Giang, thông tin từ Chi cục Thủy lợi cho biết, do ảnh hưởng của triều biển Tây, nước mặn từ Kiên Giang, Bạc Liêu đã về sâu trong nội đồng của tỉnh. Những ngày Tết vừa qua, độ mặn đo được tại khu vực xã Lương Nghĩa là: 9,8‰, xã Lương Tâm 5‰, xã Hỏa Tiến là 7,5‰.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện mặn đã xâm nhập ở một số xã tiếp giáp với sông Cái Lớn từ biển Tây đổ vào thuộc TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ... Tại Kiên Giang, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT tỉnh, đến thời điểm này, toàn vùng U Minh Thượng đã có hơn 34.000ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn, trong đó diện tích lúa mùa gần 30.000ha.
Nông dân ĐBSCL đối mặt với diễn biến hạn, mặn bất thường. |
Theo dự báo, ảnh hưởng của El Nino kéo dài đến giữa năm 2016 nên hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng gây bất lợi cho sản xuất vụ lúa hè thu sắp tới trên vùng U Minh Thượng, một phần huyện Gò Quao, Giang Thành và một số vùng ven biển huyện Hòn Đất, vùng ven sông Cái Lớn.
Tại Trà Vinh, hiện nước mặn tại sông Tiền và sông Hậu đã lấn sâu vào các tuyến kênh thủy lợi đầu mối hơn 60km. Độ mặn tại các cửa cống như: Cái Hóp, Rạch Rum, Cần Chông, Láng Thé, Tân Dinh... đã lên đến từ 5,9 – 7,8‰. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo vận hành đóng – mở cửa cống thủy lợi, theo dõi độ mặn nước để ngăn mặn, trữ ngọt thế nhưng do nắng nóng, độ mặn tăng nhanh, không thể tiếp ngọt vào các kênh nội đồng nên hiện tại trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Trà Cú có hơn 50% diện tích lúa Đông Xuân, với gần 9.000ha nằm trong tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Tình hình tại Bạc Liêu càng đáng lo ngại hơn khi gần 10.000ha lúa Đông Xuân đang bị nhiễm bệnh lại bị mặn xâm nhập. Nước mặn hiện đã xâm nhập sâu vào nội đồng của vùng phía Bắc đe dọa đến trà lúa Đông Xuân.
Trong khi đó, nguồn nước ngọt từ sông Hậu về qua trục Quản Lộ - Phụng Hiệp giảm mạnh nên khả năng thiếu nước cuối vụ là rất lớn. Nếu hạn chế điều tiết nước mặn sẽ xảy ra nguy cơ thiếu nước mặn cho 67.000ha nuôi tôm ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất, nhất là khu vực thị xã Giá Rai. Còn nếu điều tiết đủ nước mặn để nuôi tôm thì tiểu vùng chuyển đổi sẽ có nguy cơ mặn xâm nhập sâu vượt Ngã Năm (Sóc Trăng), từ đó xâm nhập vào vùng sản xuất lúa đông xuân của Sóc Trăng và 46.500ha lúa của Bạc Liêu.
Quyết liệt “cuộc chiến”
Tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang đang tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng; rút ngắn lịch thời vụ bằng cách sử dụng giống lúa ngắn ngày và áp dụng biệp pháp tưới nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, các tỉnh đều đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cống và xây dựng kế hoạch đắp đập ngăn mặn, phát động nhân dân tu bổ, gia cố bờ bao, ao đầm, nạo vét kênh mương nội đồng, trữ nước chống hạn, chống xâm nhập mặn…
Về lâu dài, nhiều địa phương đang thực hiện các giải pháp công trình. Chẳng hạn như tỉnh Hậu Giang phấn đấu hoàn thành tuyến đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ ngay trong năm nay; đồng thời tiếp tục triển khai thêm một số dự án ngăn mặn triệt để trên địa bàn và ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu như dự án đê bao tuyến Vị Thanh - Vịnh Chèo, dự án Vị Thủy - Vịnh Chèo, dự án Nam Xà No với tổng chiều dài khoảng 20km và kinh phí dự kiến gần 300 tỷ đồng; nhanh chóng hoàn chỉnh dự án WB6 (Ô Môn - Xà No) giai đoạn 2 với gần 30 cống cấp 2.
Hậu Giang cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hồ nước ngọt tại xã Vĩnh Tường với diện tích hồ 100ha để trữ nước ngọt trong vùng.
Ông Trần Quang Củi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, Sở đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ 106 tỉ đồng để xây dựng các phương án ứng phó với hạn, mặn; đồng thời đề nghị ứng vốn ngân sách Trưng ương khoảng 120 tỉ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại, trong đó hỗ trợ riêng vụ mùa khoảng 80 tỉ đồng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tính toán quy hoạch lại vùng sản xuất, nhất là vùng U Minh Thượng, chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi thủy sản hoặc trồng những loại cây phù hợp.