Ổ dịch tại Hội truyền giáo Phục Hưng đã hình thành như thế nào?

Chủ Nhật, 30/05/2021, 16:15
Như CAND online đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến Hội Tin Lành truyền giáo Phục Hưng (Hội thánh truyền giáo Phục Hưng). Vậy tổ chức này là gì? Tại sao nhiều người sinh hoạt trong hội bị nhiễm COVID-19?


Theo ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh), điểm sinh hoạt tôn giáo Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (hẻm 415 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp) được UBND phường 3 cho phép hoạt động từ năm 2006.

Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt của Hội này.

Theo đó, Giấy chứng nhận Đăng ký sinh hoạt Đạo Tin lành được UBND phường 3, quận Gò Vấp cấp ngày 18/10/2006 (theo Ban Tôn giáo TP Hồ Chí Minh, việc đăng ký điểm sinh hoạt tôn giáo theo chỉ thị và quy định của Chính phủ theo quy định, giấy phép sẽ do UBND cấp xã cấp) thì nhóm có tên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng do mục sư là ông Phương Văn Tân đại diện, người phụ trách và được ủy quyền thay thế là bà Võ Xuân Loan (vợ ông Tân), có địa chỉ tại 205/2 đường số 1, phường 3, quận Gò Vấp (sau này địa chỉ mới là ngôi nhà ba tầng ở hẻm 415 Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp) với số lượng người được phép tham gia sinh hoạt là 60 người. Tuy nhiên, sau một thời gian sinh hoạt, số thành viên giảm dần, hiện chỉ có 28 người đăng ký sinh hoạt.

Nội dung sinh hoạt tôn giáo là cầu nguyện, thờ phượng, học kinh thánh, thông công, cúng các ngày lễ tết, Phục sinh, Giáng sinh, Thương khó. Hội thánh cầu nguyện và học kinh thánh từ thứ Hai đến thứ Bảy; cầu nguyện, thờ phụng vào buổi sáng và tối Chủ nhật hàng tuần.

Được biết, vợ chồng mục sư Phương Văn Tân và Võ Xuân Loan tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học mục vụ năm 2011. Vợ chồng mục sư là hai trong bảy Tiến sĩ Thần học mục vụ đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo Tiến sĩ Thần học mục vụ của Washington College International (Mỹ) cùng trường Thần học Quốc tế (Vietnam International Seminary, tiền thân là Saigon Bible School).

Hằng năm, vào dịp Giáng sinh, Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng Việt Nam thường tổ chức đêm Thánh nhạc tại các không gian lớn với sân khấu rộng rãi thu hút hàng trăm người. Đây cũng là những dịp để Hội Thánh mở rộng tín đồ.

Hẻm đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp bị phong tỏa vào sáng 27-5.

Theo đại diện Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, từ đầu tháng 5 đến nay, Hội không có tập trung giảng đạo ở bên ngoài, cũng không tiếp cận người nước ngoài cũng như tín đồ nước ngoài. Do vậy đến nay chưa xác định được nguồn lây nhiễm ban đầu. Nhưng Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có sinh hoạt vào các ngày Chủ nhật; từ đầu tháng 5 đến nay, gồm 4 ngày, đó là 2/5, 9/5, 16/5, 23/5. Tổng cộng 4 đợt sinh hoạt có 20 người tham gia. Tuy nhiên địa điểm hoạt động của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chật chội, không đảm bảo khoảng cách.

Theo nhận định của GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ổ dịch tại điểm sinh hoạt tôn giáo này có thể xuất hiện từ lâu, tối thiểu đã qua hai chu kỳ lây lan, mầm bệnh cũng đang lây lan mạnh trong cộng đồng.

Đáng nói, sau khi phát hiện ổ dịch này, theo lãnh đạo ngành Y tế TP Hồ Chí Minh, quá trình khai thác dịch tễ, truy vết liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vô cùng khó khăn, gia đình mục sư hội thánh này không hợp tác.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) thì quá trình khai thác thông tin dịch tễ ở khu vực Hội thánh truyền giáo Phục Hưng rất khó khăn do gia đình mục sư không hợp tác, phải nhờ Công an hỗ trợ. Điển hình, một hàng xóm bên cạnh nhà mục sư không chịu lấy mẫu xét nghiệm với lý do không liên quan đến Hội thánh hay gia đình mục sư, chỉ đến khi có kết quả xét nghiệm dương tính thì mới phát hiện ra đây là mẹ vợ của mục sư Phương Văn Tân.

Một buổi sinh hoạt của các tín đồ với mục sư Phương Văn Tân.

Trong khi đó, theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, bà V.X.L (vợ mục sư Phương Văn Tân) từng đi bằng máy bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh ngày 29/4. Đến ngày 13/5, bà Loan có triệu chứng đầu tiên nhưng không đi điều trị. Khi khai thác dịch tễ, lịch trình di chuyển và tiếp xúc, bệnh nhân này không chủ động khai báo mà còn cố tình giấu giếm.

Sở Y tế đã phải phối hợp cùng lực lượng Công an và ngành Hàng không mới xác định được hành trình di chuyển của bệnh nhân này. Đến ngày 13/5, bà L. có triệu chứng hô hấp, cũng là người đầu tiên khởi phát bệnh trong Hội thánh.

Dù có triệu chứng nhưng người phụ nữ 65 tuổi này vẫn ở nhà tự điều trị, không đi đâu, cho đến khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh thì bà đã được truy vết. Hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân này chuyển nặng, viêm phổi, đang được điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ riêng gia đình mục sư không chịu hợp tác, ngành Y tế tiếp tục phải nhờ đến các lực lượng Công an cùng phối hợp, nhưng nhiều hội viên trong Hội thánh này đều không trung thực, có nhiều hành vi gian dối, cố ý xóa dấu vết bởi khi lực lượng chức năng kiểm tra sổ hoạt động của Hội thánh, một hội viên đã cố tình xóa danh sách hội viên chỉ để lại tên 20 người để đủ tiêu chuẩn hoạt động không tập trung đông người.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến sáng 30/5, liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận thêm 40 trường hợp nhiễm mới trong cộng đồng. Như vậy, từ ngày 27/5 đến nay, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 140 ca nhiễm. Dự báo số ca nhiễm liên quan đến Hội thánh này có thể tăng tiếp trong thời gian tới vì số hội viên đến nay vẫn có thể chưa ra khai báo hết.

Có thể nói, ổ dịch lây lan từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đang đặt thành phố trước nhiều nguy cơ bị dịch bệnh lan rộng. Vi phạm hết sức nghiêm trọng của nhóm người truyền giáo đã gây rất nhiều tốn kém, khó khăn cho lực lượng chống dịch và sự hoang mang cho hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh liên tục những ngày qua.

Liên quan đến việc này, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), để chặn đứng hoàn toàn chuỗi lây nhiễm này, bên cạnh việc đẩy nhanh xét nghiệm, truy vết để dịch không lây lan tiếp tục từ những trường hợp đã biết thì việc cần phải làm nữa là tìm ra tất cả những người sinh hoạt chung trong Hội thánh này. Bởi nguy cơ lây nhiễm trong Hội thánh này rất cao. Những người này nếu còn trong cộng đồng thì sẽ thành nguồn lây rất nguy hiểm, đặc biệt ở những người không có triệu chứng. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đề nghị những người tham gia Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo kể cả khi không có bất cứ dấu hiệu mắc bệnh, không đợi đến khi có dấu hiệu bệnh mới đi khai báo. Gia đình, người thân nếu biết con em mình sinh hoạt tại hội nhóm này, hãy vận động họ khai báo y tế càng sớm càng tốt.

Phú Lữ
.
.
.