Trại giam Bình Điền - Tổng cục VIII, Bộ Công An:

Nỗ lực giúp phạm nhân hoàn lương

Chủ Nhật, 30/08/2015, 09:59
Với quyết tâm giúp các phạm nhân trở thành người sống có ích cho xã hội sau khi mãn hạn tù, thời gian qua, CBCS Trại giam Bình Điền luôn nỗ lực rèn luyện, giáo dục tư tưởng, hướng thiện cho phạm nhân. Đặc biệt, công tác dạy nghề ở trại hết sức được chú trọng, giúp phạm nhân có nghề nghiệp ổn định để khi ra tù hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống…


Chúng tôi đến Trại giam Bình Điền (đóng ở xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) vào một ngày cuối tháng 8, trong không khí thi đua lao động hăng say của các phạm nhân trước ngày lễ lớn, Quốc khánh 2-9. Như thường lệ, cứ đúng 7 giờ sáng hằng ngày, Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản giáo lại đi một vòng quanh các phân trại để kiểm tra, đôn đốc phạm nhân cải tạo lao động.

Thiếu tá Ngọc chia sẻ: “Trước những ngày lễ lớn, đặc biệt là dịp đặc xá năm nay nên phần lớn các phạm nhân ở trại đều nỗ lực, tích cực lao động... Bởi ai cũng mong ngóng đến ngày công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước”. Ngồi bên bàn sản xuất lông mi giả tại phân trại 1, thuộc Trại giam Bình Điền, phạm nhân Hoàng Nghĩa Công (48 tuổi, trú xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) không thể giấu hết niềm vui khi anh là một trong những phạm nhân có tên trong danh sách xét đặc xá đợt này. Anh Công cho biết, trước đây, anh vốn là người làm nghề thu mua gỗ. Đầu năm 2004, do thiếu hiểu biết nên anh bị các đối tượng xấu lợi dụng để rồi vận chuyển ma túy từ miền núi về TP Vinh và bị lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ, sau đó bị TAND tỉnh tuyên phạt 17 năm tù giam về tội “tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy”.

Đào tạo nghề giúp phạm nhân ở Trại giam Bình Điền có công việc ổn định sau ngày trở về.

Ngày anh vào Trại giam Bình Điền thụ án, 3 đứa con đều còn nhỏ. Suốt gần 12 năm anh thụ án, ở quê nhà chỉ có vợ một mình thân cò lặn lội chăm sóc các con; bây giờ đứa đầu đã tốt nghiệp Đại học Y dược Hà Nội; đứa thứ 2 vừa đỗ Đại học Sư phạm Vinh. Nhờ tấm gương hiếu học của các con và được sự giúp đỡ, tận tình chỉ dạy của cán bộ quản giáo nên anh đã nỗ lực cải tạo để chờ đến ngày được trở về với gia đình… Cũng như anh Công, phạm nhân Hứa Thanh Trà (34 tuổi, trú tổ 57, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng một số phạm nhân khác ở cùng buồng giam những ngày này luôn có cảm giác hồi hộp, háo hức đến khó tả. Bởi đối với Trà, sau 5 năm thi hành án, chị rất mong chờ khoảnh khắc được gặp lại người thân.

Theo lời Trà kể, năm 19 tuổi, chị lập gia đình với một người đàn ông cùng quê, nhưng không mảy may biết rằng chồng mình là con nghiện nặng. Thương chồng vật vã mỗi lần lên cơn nghiện nên Trà làm liều đi mua ma túy cho chồng sử dụng và không lâu sau trở thành kẻ mua bán ma túy chuyên nghiệp. Năm 2010, Trà bị cơ quan Công an bắt và lãnh án tù 6 năm 6 tháng về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. “Chồng tử vong do sốc ma túy cũng là lúc mình mới vào trại nên đứa con gái nhỏ đành gửi cho ông bà nội nuôi giùm. Tuy nhiên, khi vào đây, nhờ sự tận tâm giúp đỡ của giám thị và quản giáo nên mình đã cải tạo tốt và học được nghề làm lông mi giả thành thục. Mãn hạn tù, mình sẽ đầu tư mở một xưởng làm lông mi, tóc giả nho nhỏ để kiếm sống nuôi con”, Trà định hướng tương lai…

Ngoài công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho phạm nhân thì những năm qua, Trại giam Bình Điền còn tổ chức các lớp dạy nghề mộc, đan lát, sản xuất bàn ghế nhựa, lông mi giả xuất khẩu... với mục đích giúp các phạm nhân có nghề nghiệp ổn định để họ tự tin hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù. Nói về vấn đề xét duyệt đặc xá cho phạm nhân năm nay, Đại tá Phan An, Giám thị Trại giam Bình Điền cho hay, thực hiện quyết định ngày 10/7/2015 về đặc xá năm 2015 của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương, đơn vị đã thành lập Hội đồng xét duyệt đặc xá để lập hồ sơ đặc xá một cách khách quan, dân chủ và công bằng. Trại đã tổ chức niêm yết công khai quyết định và thông báo cho các phạm nhân biết về các điều kiện được xét đặc xá; cung cấp biểu mẫu để các phạm nhân kê khai, sau đó tổ chức cho các đội ở mỗi phân trại tự bỏ phiếu kín để thể hiện sự công bằng, dân chủ.

“Dịp này, có 167 phạm nhân đủ điều kiện làm hồ sơ đặc xá, trong đó có 33 nữ. Điều đáng nói, trong số 125 phạm nhân được đặc xá vào năm 2013 thì đến nay vẫn chưa có người nào vi phạm pháp luật để phải quay trở lại trại giam. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác phòng ngừa, giáo dục và cải tạo phạm nhân của CBCS Công an đang công tác ở Trại giam Bình Điền”, Đại tá Phan An khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.