Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học vịnh biển Nha Trang
- Thu hồi hai dự án từng có hành vi đổ đất đá xâm lấn vịnh biển Nha Trang
- Thu hồi dự án Hòn Rùa trên vịnh biển Nha Trang
- Xử phạt DN lấn vịnh biển Nha Trang trái phép 200 triệu đồng
- Vịnh biển Nha Trang, quần thể níu chân du khách
Thiên nhiên ban tặng vịnh biển Nha Trang hàng chục đảo lớn nhỏ như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Rơm, Hòn Vung… với hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển đa dạng, phong phú thu hút nhiều loài sinh vật biển. Trong đó hệ sinh thái rạn san hô che phủ, mở rộng trên diện tích khoảng 252ha, phân bố tập trung ở Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Rơm, Hòn Cau…
Thảm cỏ biển phân bố tập trung ở Hòn Tre, Trí Nguyên, Hòn Chồng… Những hệ sinh thái nêu trên không chỉ tạo nên giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH), thu hút, bảo vệ và tăng trưởng nguồn sinh vật phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế biển bền vững.
Cách đây hơn 20 năm, nạn đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, chất độc, khai thác tận diệt… cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường đã khiến cho ĐDSH vịnh biển Nha Trang suy giảm, nhiều rạn san hô bị xâm hại, chất thải trầm tích đáy vịnh gây suy thoái nhiều thảm cỏ biển.
Du khách lặn xuống đáy vịnh biển Nha Trang ngắm nhìn thảm cỏ. |
Trước thực trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới phối hợp thành lập Khu Bảo tồn biển Hòn Mun. Đến giữa tháng 9/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định thành lập Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang trên cơ sở hợp nhất Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, Bến tàu du lịch Cầu Đá và bộ phận cứu hộ nhân đạo trên biển của Đội Thanh niên xung kích TP Nha Trang.
Nhiều hoạt động đã được BQL vịnh Nha Trang triển khai thực hiện từ việc lắp đặt hàng trăm phao chỉ dẫn neo đậu tàu thuyền tránh xâm hại san hô; tổ chức nuôi trồng thử nghiệm rong rụn, hải sâm cát, vẹm xanh, hàu, cá mú; hỗ trợ sinh kế cho hàng trăm hộ gia đình bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới…
Mặt khác, BQL vịnh Nha Trang thường xuyên tổ chức các hoạt động khảo sát chất lượng nước, ĐDSH, xây dựng bản đồ hệ sinh thái, cơ sở dữ liệu các yếu tố môi trường; phối hợp Bộ đội biên phòng, Chi cục thủy sản, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Khánh Hòa, UBND TP Nha Trang tuần tra trên vịnh Nha Trang kiên quyết đấu tranh ngăn chặn nạn đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, chất độc, ngư cụ hủy diệt; thường xuyên huy động nhân lực thu gom, xử lý, giám sát chất thải, trồng rừng ngập mặn; bắt sao biển gai, thả tôm, cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh Nha Trang, cùng với địa phương giám sát chất thải từ dân sinh, lồng bè tôm cá…
Khảo sát mới đây của BQL vịnh Nha Trang tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun cho thấy, ĐDSH đã được tăng cường, độ phủ san hô chiếm 82% các hợp phần đáy khác và thuộc mức đầu thang xếp hạng tuyệt vời của tiêu chuẩn sức khỏe rạn; mật độ các loài cá rạn san hô, động vật thân mềm cỡ lớn tăng lên. Trong 500m3 nước biển có 8-9 con cá bướm, 10-11 con cá mó, 3-4 con cá hồng; trong 100m2 mặt nước có 1,5 con hải sâm, 1 con tôm, 1 con cá tai tượng và 12 con cầu gai đen.
Theo ông Huỳnh Bình Thái – Trưởng BQL vịnh Nha Trang, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hoạt động bảo tồn ĐDSH vịnh Nha Trang vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thử thách khi nhiều dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng ở các đảo và bên lề vịnh Nha Trang cùng với các hoạt động chế biến, nuôi trồng, khai thác thủy sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chất thải trầm tích, rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn bị thu hẹp…
Vì thế BQL vịnh Nha Trang tiếp tục nỗ lực thực thi nhiều biện pháp bảo tồn ĐDSH với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng cùng với chính quyền và người dân, để vịnh biển Nha Trang luôn là điểm đến hấp dẫn, xứng tầm danh thắng quốc gia và là một trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới.