Nhiều kiến nghị phát huy giá trị Di tích Gò Đống Đa gắn với du lịch

Thứ Tư, 11/12/2019, 06:41
Trong những năm qua, di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa đã được Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội và quận Đống Đa quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo và xây dựng hạ tầng nhưng đến nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi.


Đó là khẳng định của nhiều đại biểu trong hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa” ngày 10-12. Đây là hoạt động do UBND quận Đống Đa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức nhân dịp kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa, Công viên Văn hóa Đống Đa (Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa) đang rất thiếu các sự kiện mang tính trải nghiệm. Phòng trưng bày chưa đáp ứng được tiêu chí bảo tàng học hiện đại nên kém sức hấp dẫn.

Trước đây đã có ý tưởng xây dựng ở đây là một tổ hợp “Panorama” về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa nhưng bị cho là khó hiện thực hóa. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc xây dựng các tổ hợp trưng bày “hiện thực ảo” bằng sự trợ giúp căn bản của kỹ thuật số không quá xa lạ.

Nếu có sự sáng tạo trong nghiên cứu xây dựng các tổ hợp kỹ thuật hiện đại như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng Trung tâm diễn giải lịch sử có sức thuyết phục cao ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa, cũng cho rằng, hiện nay hoạt động của di tích và công viên khá đơn điệu, hằng ngày chỉ thấy nhiều người vào tập thể dục.

Khu vực trên đỉnh Gò Đống Đa, ngoài tấm bia ghi lời hịch của Hoàng đế Quang Trung và một vài phiến đá chỏng chơ, hầu như không có thông tin gì khác, rất khó cho những người tham quan tự do, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả phát huy giá trị di tích.

Nhà trưng bày trong quần thể Công viên Văn hóa Đống Đa hiện quá nhỏ, khuất nẻo, giải pháp trưng bày cũ kỹ. Nên xây dựng Nhà trưng bày mới với nội dung và giải pháp mới, đưa các phương tiện, kỹ thuật nghe nhìn hiện đại để tăng tính hấp dẫn của trưng bày.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ còn đề nghị đổi tên Công viên Văn hóa Gò Đống Đa trở lại là Di tích lịch sử Gò Đống Đa cho đúng với tên gọi trong các quyết định xếp hạng di tích và khẳng định giá trị của địa danh này.

Nhiều đại biểu còn cho rằng, nên bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và là biện pháp thích hợp trong quá trình “bảo tồn động” di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, đưa di sản thành tài sản.

Cụ thể, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, UNESCO đã từng khuyến cáo bảo tồn di sản văn hóa mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì bảo tồn sẽ không bền vững. Để phát triển du lịch, UBND TP Hà Nội nên tiến hành lập và triển khai quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Vì di tích Gò Đống Đa là di tích còn lại duy nhất trong số 12 gò Đống Đa mà chúng ta đã được biết, cần được bảo tồn, tôn tạo ngang tầm với giá trị của nó. Ngoài ra cần khôi phục Trung Liệt miếu, nơi thờ tự những anh hùng chống Pháp tiêu biểu như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng…, tạo cho di tích có giá trị kép về giá trị lịch sử và giá trị tâm linh. 

Đặc biệt, cần nghiên cứu, sưu tầm và xây dựng mới hoàn toàn nội dung trưng bày bổ sung cho di tích với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, với hai chủ đề chính là diễn biến và kết quả của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; Quang Trung – Nguyễn Huệ với Hà Nội sau đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.

N.Hoa
.
.
.