Cảm xúc trên gò Đống Đa

Thứ Tư, 16/02/2005, 07:55

Việt Nam luôn tiềm ẩn sức mạnh phi thường dưới ngọn cờ chính nghĩa. Đứng trên gò Đống Đa những ngày Xuân Ất Dậu, nhìn về Kỷ Dậu cuối thế kỷ XVIII, ta có thể nhìn rõ ngày Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh giữa thành Thăng Long mà cuộc hành quân thần tốc khởi đầu từ những ngày cuối đông sang đầu xuân 1789...

Hai trăm mười sáu năm đã trôi qua với bao biến động lịch sử mà vẫn ngời sáng vẻ đẹp của vị vua trẻ tuổi "áo vải cờ đào" vốn không có chí làm vua mà chỉ vì lòng dân chán đời loạn, mặc áo tơi đi xe cỏ, rong ruổi nhung mã, đã lôi kéo được hàng chục vạn nghĩa quân binh sĩ bỏ ăn Tết với gia đình theo ông tiến quân ra Bắc Hà tiêu diệt giặc ngoại xâm. Gương sáng ấy há chẳng mãi mãi đáng ca ngợi hay sao? Một vị vua anh minh hết lòng yêu nước, có tài thao lược, cùng với dân tộc quật cường không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù có tiềm lực hơn gấp bội. Tiếc thay chúng ta còn quá ít tác phẩm nghệ thuật điện ảnh sân khấu sử thi hoành tráng để nói về cha ông ta...

Liên tưởng tới cuộc tấn công Mậu Thân 1968 sống lại trong tôi những cảm xúc bồi hồi trên đường ra trận mùa xuân như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Không "phơi phới" sao được khi chứng kiến hàng vạn thanh niên trai tráng vào chiến trận giữa ngày xuân. Chúng tôi được chứng kiến và cũng là những người trong cuộc, giữa cái đêm giao thừa ấy, tại bến phà Long Đại mà các chiến sĩ công binh ở đây quen gọi là bến "Long Đầu", bởi hàng trăm tấn bom ném xuống để ngăn cuộc hành quân ra trận của quân ta, trú ẩn trong ngách hầm tránh bom, ăn khoai lang luộc chờ phà qua sông, nghe Bác Hồ chúc Tết bằng chiếc đài bán dẫn Orionton đeo bên người, sao mà lòng rạo rực khôn nguôi...

Đó là cảm hứng trong tôi để sáng tác màn lễ hội truyền thống Đống Đa năm nay xuyên dọc lịch sử của hơn hai thế kỷ hướng tới năm Ất Dậu 2005 tràn đầy hy vọng. Với ý nghĩa phát huy chí khí quật cường của dân tộc anh hùng, biết đoàn kết vượt khó khăn đi lên phía trước. Khoảnh khắc của trận Đống Đa như đốt lên ngọn lửa chiếu sáng lịch sử 75 năm Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, 60 năm nước nhà độc lập, 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 30 năm thống nhất đất nước và những ngày lễ lớn trong năm sẽ là những "cú hích" tinh thần tác động vào khí thế mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng kiến thiết đất nước, đấu tranh chống tiêu cực xã hội hôm nay...

Hơn một trăm diễn viên của 4 đoàn nghệ thuật (Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Đoàn kịch Quân đội, Trường múa Việt Nam) đã tham gia biểu diễn, gợi lên những nét son vẻ đẹp hào hùng của Thủ đô Hà Nội qua những chặng đường lịch sử: Ngày toàn quốc kháng chiến - ngày 19/12/1946, ngày 10/10/1954 giải phóng Thủ đô, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, rồi Hà Nội - cơ quan đầu não của cả nước, chỉ huy sở của hậu phương lớn, chi viện tiếp sức cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh để hôm nay Hà Nội lại đi đầu trong cuộc đổi mới...

Với thời lượng 35 phút liên tục sôi động bằng diễn xuất nhiệt tình của hàng trăm diễn viên dưới trời mưa, đủ để cho nhân dân đến dự lễ hội Đống Đa sáng mùng 5 tháng Giêng Ất Dậu vừa qua cảm nhận được niềm tự hào truyền thống cha ông, vẫn như đang chạy trong huyết mạch mỗi người dân Việt Nam chúng ta hôm nay. Có lẽ mãi mãi ngày 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm là một lễ hội mang ý nghĩa tâm linh - giỗ tổ tiên thánh hiền như mang sức xuân và tâm đức của ngàn xưa cho thế hệ tương lai, vun đắp cho cây đời con cháu - cây đời không thể xanh tươi nếu không đưa con cháu về với nguyên khí của cội nguồn.

Nhắc đến Hoàng đế Quang Trung là nhắc đến một người anh hùng dân tộc tài ba đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đoàn kết dân tộc, chí khí ấy mãi mãi cần được nuôi dưỡng trong lòng người Việt Nam ở mọi thời đại, cần được giữ gìn tới muôn đời sau

Đức Trung
.
.
.