Nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng

Thứ Tư, 09/06/2021, 07:56
Thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Do đó, các cơ quan chức năng, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp PCCC rừng hiệu quả.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 198 xã có rừng, vùng trọng điểm cháy rừng được xác định tại 107 xã. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 8 vụ cháy rừng gây thiệt hại diện tích 67,92ha rừng. Thời gian qua, công tác phối hợp trong PCCC rừng với các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện được duy trì. Trên cơ sở Quy chế phối hợp đã ký kết giữa Sở NN&PTNT và Công an tỉnh Quảng Nam, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trao đổi thông tin về tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Ngày 31/5 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm vùng IV thuộc Cục Kiểm lâm đã có quyết định thành lập Tổ thường trực thực hiện công tác PCCC rừng tại tỉnh Quảng Nam, đặt tại Trạm Kiểm lâm Thăng Bình thuộc Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam (gọi tắt là Tổ thường trực); hoạt động từ ngày 1/6 đến 31/7. Tổ thường trực có nhiệm vụ nắm bắt thông tin, diễn biến và tình hình PCCC rừng; phối hợp với các đơn vị kiểm lâm, chính quyền cấp xã và các chủ rừng tiếp tục rà soát, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các biện pháp PCCC rừng hiệu quả.

Cán bộ, nhân viên BQL rừng phòng hộ Nam Giang tuần tra bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, Tổ thường trực còn tham gia ứng trực tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao và ứng cứu chữa cháy rừng khi có xảy ra cháy rừng theo đề nghị của các địa phương và lệnh điều động của cơ quan cấp trên.

Với vai trò là chủ rừng, ông Hồ Viết Căn, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ (RPH) Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị được giao quản lý hơn 55.500ha rừng và đất nông nghiệp, trong đó đất có rừng gần 41.700ha, đất chưa có rừng hơn 13.400ha, đất khác là 374ha. Trong đó, diện tích đất chưa có rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao do tiếp giáp với nương rẫy của người dân. Trong quá trình người dân phát dọn, đốt thực bì, nếu không được kiểm soát tốt dễ dẫn đến cháy lan vào khu vực rừng. Vì vậy, BQL RPH Nam Giang đã cử lực lượng tham gia hỗ trợ người dân đốt dọn thực bì, làm đường băng cản lửa không để cháy lan vào khu vực rừng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCC rừng cho người dân cũng được đặc biệt chú trọng, thực hiện bằng nhiều hình thức. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền lưu động, cán bộ của BQL RPH Nam Giang còn phối hợp với lực lượng Công an, Kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao nhận thức về công tác PCCC rừng.

“Chúng tôi hiện có 5 trạm quản lý, bảo vệ rừng, 12 chốt thuộc 5 trạm này và 1 Đội cơ động PCCC rừng. Thời gian qua, các cán bộ của các trạm, chốt, Đội cơ động thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng kết hợp với triển khai công tác PCCC rừng”, ông Hồ Văn Căn nói.

Ông Căn cho biết thêm, BQL RPH Nam Giang đã có phương án PCCC rừng năm 2021, trong đó đã xác định vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa hanh khô. Các trạm quản lý, bảo vệ rừng trực thuộc thường xuyên theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến của thời tiết hanh khô, nắng nóng đến các cơ quan, địa phương và nhân dân sống trên địa bàn; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết vào những ngày nắng nóng tại các vùng trọng điểm trong mùa hanh khô, đặc biệt chú trọng trong những tháng cao điểm là 5, 6, 7. Công tác PCCC rừng được BQL RPH Nam Giang thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, “Nhà nước, nhân dân cùng thực hiện” và “phòng là chính, khi phát hiện cháy phải thông tin kịp thời, tổ chức dập tắt ngay”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Xuân Linh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, tuy dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, song thời điểm nắng nóng gay gắt, kéo dài như hiện nay, đơn vị luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp để tham gia PCCC rừng khi có tình huống xảy ra.

Ngọc Thi
.
.
.