Nhiều đường dây làm giả giấy tờ xe ba bánh, giấy phép lái xe

Thứ Ba, 12/04/2016, 08:29
Minh biết nhiều người có nhu cầu mua xe ba bánh nên móc nối với Thân thực hiện hành vi mua, bán giấy phép lái xe môtô (giả) các hạng: A1, A3, A4. Sau đó, cả 2 tiếp tục móc nối với nhiều đối tượng khác tìm người có nhu cầu mua để bán xe ba gác có chứng nhận đăng ký và giấy phép lái xe giả. 


Theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ “không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe ba bánh”. Trước thời điểm này, tại Đồng Tháp có gần 1.000 phương tiện được cấp chứng nhận đăng ký. 

Sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, các phương tiện ba bánh không được cấp mới mà chỉ cho chuyển sở hữu sử dụng hợp pháp. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn Đồng Tháp, người dân vẫn tiếp tục mua xe ba bánh một cách “vô tội vạ” nên bị lực lượng chức năng phát hiện tạm giữ và ra quyết định tịch thu.

Khuya 18-3, qua công tác trinh sát, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra xe tải do tài xế Lê Trường Giang (44 tuổi, ngụ TP Cao Lãnh) điều khiển đậu trước cơ sở trên đường 30-4 (TP Cao Lãnh). Qua kiểm tra, trên xe có phương tiện ba bánh nhưng tài xế không chứng minh được nguồn gốc. 

Qua làm việc, Lê Út Hai (35 tuổi, ngụ TP Cao Lãnh), người đứng ra nhận là chủ phương tiện cho biết đã mua từ Bình Dương với giá từ 25 triệu đồng và vận chuyển về Đồng Tháp. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Út Hai khai đã mua 3 phương tiện về bán lại cho những người dân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

Xe ba bánh làm giả giấy chứng nhận đăng ký bị lực lượng CSGT tạm giữ.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Lý Thọ Minh; Phan Văn Thân; Nguyễn Thành Tuấn; Nguyễn Văn Tuấn; Trần Thanh Bình; Nguyễn Văn Giàu; Võ Văn Tuấn; Nguyễn Văn Hoàng; Thái Văn Hoàng và Nguyễn Thị Mai Trang về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

Qua điều tra, Minh biết có khá nhiều người có nhu cầu mua xe ba bánh nên móc nối với Thân thực hiện hành vi mua, bán giấy phép lái xe môtô (giả) các hạng: A1, A3, A4. Sau đó, cả 2 tiếp tục móc nối với 8 bị can trên, tìm người có nhu cầu mua để bán xe ba gác có chứng nhận đăng ký và giấy phép lái xe giả. 

Trong lúc Minh đang mua bán xe ba gác có giấy chứng nhận đăng ký giả cho người dân thì bị bắt quả tang. Công an TP Vĩnh Long đã thu giữ 1 xe ôtô tải, 11 xe ba gác máy, 51 giấy phép lái xe các hạng, nhiều biển kiểm soát giả…

Thiếu tá Nguyễn Văn Út, Phó đội trưởng (PC67, Công an tỉnh Đồng Tháp) cho biết: trong 54 trường hợp phát hiện, có 31 trường hợp xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký xe và 23 trường hợp không xuất trình được. Qua xác minh, PC67 mời người vi phạm và chủ phương tiện 23 trường hợp không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký.

“Còn 31 trường hợp xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký xe thì toàn bộ số khung, số máy và biển số xe đều không khớp với hồ sơ đăng ký đang quản lý. Lực lượng Kỹ thuật hình sự tiến hành giám định, toàn bộ 31 giấy chứng nhận đều là giấy giả. Có trường hợp 1 bộ hồ sơ gốc nhưng đến 3 phương tiện có giấy đăng ký giả, biển số giả, số khung, số máy giả. Các trường hợp có dấu hiệu phạm tội đã được PC67 được chuyển sang cơ quan điều tra thụ lý”, Thiếu tá Út cho hay.

Đại tá Lê Xuân Lãng, Trưởng Phòng PC46, Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo: “Với giá từ 25 đến 40 triệu đồng, người mua phương tiện biết rõ là không thể đăng ký mới nhưng chấp nhận “làm liều, chạy lụi”. Hầu hết những trường hợp phát hiện, rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mua phương tiện mưu sinh nhưng không đúng với nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất, giá bán xe thấp… 

Khuyến cáo người dân không mua xe ba bánh không rõ nguồn gốc và đến cơ quan Công an đăng ký chuyển sở hữu theo quy định”.

Văn Vĩnh
.
.
.