Xe ba gác vi phạm giao thông và chuyện mưu sinh người nghèo

Thứ Tư, 20/08/2014, 12:09
Tại một ngã tư trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, TP Hồ Chí Minh, anh Lê Thanh Kiện với chiếc ba gác TQ đứng trọn một buổi không ai kêu chở hàng cho biết: “Xe tui mua hồi trước ở Bình Dương, có giấy tờ gì đâu. Chở hàng gặp “mấy ổng” (chỉ CSGT-PV) thì coi như… đứt bóng”. “Sao không đăng ký lấy biển số…”- “Tiền lo kiếm cái ăn còn không đủ”.
>> Xe 3-4 bánh tự chế được “sống” đến hết tháng 6/2008

Những câu chuyện đại loại như anh Kiện có thể nghe hầu hết các bác tài ba gác máy TQ ở các quận 7, Nhà Bè, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Tân... Việc sử dụng xe và giấy tờ không hợp pháp, bác tài nào cũng nhận biết, nhưng không ai quan tâm vì sợ những hệ lụy lôi thôi về nguồn gốc. Trung tá Võ Thanh Tùng, Đội trưởng CSGT Công an quận 7 cho biết, chỉ sau một tháng ra quân xử lý vi phạm xe ba gác máy TQ, lực lượng CSGT đã tạm giữ 68 xe. Trong số này có 24 xe đề xuất tịch thu vì khi giám định phát hiện số khung, số máy đều đục; 11 xe sử dụng giấy tờ giả, mang biển số tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… Nhìn bãi xe ba gác máy TQ tạm giữ tại Công an quận 7 nằm la liệt phía sân sau, mà xót xa cho giá trị quy ra tiền tỷ mua sắm phương tiện làm sinh kế của người nghèo, nhưng vi phạm pháp luật.

Nhưng khi CSGT lập biên bản tạm giữ tang vật, hầu hết các chủ phương tiện “bỏ của chạy lấy người”. Vì sao? Điển hình như trường hợp bác tài Trịnh Văn Ngọ, SN 1966, quê Hưng Hà (Thái Bình) chủ xe ba gác máy TQ mang biển số 54P9-5236, bị CSGT kiểm tra lập biên bản lúc 8h10 ngày 18/6. Giấy đăng ký xe ông Ngọ mang tên Nguyễn Thanh Tùng, địa chỉ 342 Phan Văn Trị, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nhãn hiệu YINXIANG (Trung Quốc), số máy 11007445, số khung CC-1100720. Khi CSGT quận 7 trưng cầu giám định tại Phòng kỹ thuật Công an TP Hồ Chí Minh kết quả không tìm được số máy, số khung nguyên thủy; số máy khung hiện hữu là số đục, giấp phép đăng ký cũng làm giả. Thực tế khi cầm cũng đã đủ nhận biết là giấy giả.

Trung tá Võ Thanh Tùng cho biết thêm, có 11/24 xe sử dụng giấy tờ giả mạo, trong số xe đề xuất tịch thu, hầu như những chủ xe đều, không đến. Chỉ có 4 trường hợp chủ xe mang biển số TP Hồ Chí Minh đủ giấy tờ hợp pháp. Quá trình xử lý vi phạm xe ba gác máy TQ, lực lượng CSGT quận 7 còn phát hiện thêm có nhiều trường hợp một giấy phép xe được sử dụng cho rất nhiều xe ba gác theo kiểu “nhân bản, mẹ bồng con” mang biển số TP Hồ Chí Minh.

Hiện trường vụ tai nạn do xe ba gác gây ra.

Công an quận 7 chỉ đạo lực lượng Công an các phường, xã tăng cường kiểm tra đột xuất tại các ngã ba, ngã tư nơi xe ba gác máy TQ tập trung chờ khách hàng, xử lý triệt để nạn xe chui, xe gian đang hoạt động trái pháp luật, gây TNGT và ùn tắc giao thông.

Để ngăn ngừa những vụ TNGT và lập lại trật tự ATGT do thủ phạm là xe ba gác máy TQ gây ra, Trung tá Võ Thanh Tùng cho rằng: Ai cũng biết chiếc xe là sinh kế của người dân lao động nghèo, thế nhưng nếu không kiểm soát, quản lý chặt chẽ, thì hậu quả gây ra rất khó lường. Lực lượng CSGT, Công an rất cần các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng rãi đến người dân để tự nguyện đăng ký, xin cấp biển số lưu thông, đảm bảo đúng quy định pháp luật và góp phần ổn định TTATGT, TTATXH…

Việc xử lý loại xe ba gác máy TQ hiện tại đang nảy sinh ra hai luồng dư luận trái nhau. Một mặt cho rằng, các loại xe ba gác, xe lôi tự chế là phương tiện mưu sinh của người lao động nghèo. Phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng tại các đường ngang, hẻm nhỏ mà các loại xe tải trung, tải nhẹ không thể vào được. Nếu siết chặt quản lý xe ba gác, chấn chỉnh TTGT, cũng có ý kiến cho rằng lực lượng Công an,  CSGT “làm khó” người nghèo. Tuy nhiên còn một thực tế khác, đó là việc mua bán loại xe ba gác máy TQ và người sử dụng hầu hết là giấy tờ giả, không xác định nguồn gốc. Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) trước đây từng khởi tố vụ án làm giả giấy tờ xe do Trương Đông Duy và Nguyễn Quốc Trưởng cầm đầu. Từ tháng 9/2011 đến tháng 4/2012, các đối tượng mua phụ tùng, lập nhà xưởng, thuê nhân công về lắp ráp hàng loạt xe ba gác máy TQ, đục số khung, số máy, làm giấy giả, biển số giả với giá 2,5 triệu đồng/xe. Anh Nguyễn Trung Vân chạy ba gác ở ngã ba Tân Vạn cho biết, chiếc xe 3 bánh hiệu Yinxiang Trung Quốc anh mua giá 36 triệu đồng (đủ giấy tờ) tại một cửa hàng ở ngã ba Tam Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Sau đó có thông tin cấm xe ba gác cũ, cho đăng ký lưu hành loại xe này nên giá tăng vọt lên 50-70 triệu. Do vậy, người mua lại xe có biển số của Bình Dương, Đồng Nai hoặc xe mới nhờ người thân ở những khu vực này đứng tên đem về thành phố chạy là không thể tránh khỏi.

Ai cũng nhìn thấy hằng ngày, các loại xe thô sơ, ba gác, xe ba gác máy TQ loại ba bánh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT khi lưu thông trên các đường phố. Những chiếc xe này thường chở hàng cồng kềnh, chạy nhanh, ẩu, ôm cua rộng, bất chấp tính mạng người khác. Nhiều năm qua, Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh ban hành nhiều văn bản cấm xe ba gác, ba bánh thô sơ - tự chế lưu thông. Từ 30/8/2008, Nghị định 32 của Chính phủ cấm các loại xe lôi ba gác, xe tự chế (sau khi gia hạn) có hiệu lực, thì lập tức đội xe ba gác máy của Trung Quốc bắt đầu tràn vào chiếm lĩnh thị trường nước ta khiến cho các DN, cơ sở sản xuất, “tự chế” ở Việt Nam ngẩn ngơ đứng nhìn. Ngày đó, Công ty TNHH SX-TM-DV Đình Vũ, trụ sở trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận - TP Hồ Chí Minh trở thành DN “ăn nên, làm ra” nhờ “nhanh tay, lẹ mắt” nhập hàng vạn xe ba gác máy mang nhãn hiệu Xinling-Trung Quốc. Hình dáng những chiếc xe hiệu Xinling chẳng khác gì mấy so với xe lôi tự chế ở đồng bằng sông Cửu Long, được chế liền với một rơ-moóc. Chiều dài của thân và thùng xe dài hơn xe 3 gác máy, xe lôi đời cũ, với dung tích xi lanh 150 phân khối, xe đăng ký tải trọng tối đa là 350kg. Giá xe lúc đó khoảng 38 - 40 triệu đồng/chiếc

Hoàng Châu
.
.
.