Tiếp tục tranh cãi việc đưa Uber, Grab vào quản lý như taxi truyền thống

Thứ Bảy, 10/03/2018, 09:22
Sau phát biểu của Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể mới đây về việc phải quản chặt Uber, Grab như taxi, ngày 9-3, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

Cùng ngày, Hiệp hội taxi 3 miền Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh tiếp tục có kiến nghị lên Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Theo đó, ông Jerry Lim cho rằng, lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ biến mất nếu bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh như công ty taxi. 

"Định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0", ông Jerry Lim cho biết. 

Theo lãnh đạo Grab Việt Nam, hãng đang hợp tác kinh doanh với hàng trăm đối tác là công ty vận tải và hợp tác xã, những người đang tận hưởng lợi ích từ việc kết nối và hợp tác với nền tảng công nghệ mở của Grab. Việc sở hữu và quản lý đội xe chính là thế mạnh của các đối tác này và họ sẽ phải chịu cảnh sụt giảm doanh thu nếu họ bị "quản" như taxi. 

Đồng thời, các tài xế muốn dùng xe cá nhân cấp dịch vụ vận tải thông qua ứng dụng Grab vì muốn có cơ hội tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, họ sẽ không bao giờ muốn quay lại cảnh phải mua lốt của hãng taxi, bị bó buộc về thời gian, bị khoán doanh thu và bị ép chia doanh số với hãng như trước đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, ông đồng tình với chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thế để tạo sân chơi bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Bởi vì Grab, Uber không còn là xe hợp đồng điện tử dạng kinh tế chia sẻ mà hoạt động như taxi thông thường. 

Nhiều người đầu tư xe mới để chạy Uber, Grab thường xuyên như taxi. Do đó, xe Uber, Grab cũng phải khống chế số lượng và địa bàn hoạt động giống như taxi truyền thống; các tiêu chuẩn về lái xe, giám sát an toàn giao thông... Đặc biệt, các đơn vị vận tải, hợp tác xã phải ký hợp đồng, đóng bảo hiểm cho lái xe giống như các hãng taxi hiện nay.

Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, quyết định mới đây của Bộ trưởng Bộ GTVT đưa Uber, Grab vào quản lý như taxi là một quyết định vô cùng đúng đắn, sáng suốt và kịp thời. Điều này sẽ sớm đảm bảo sự công bằng cho các loại hình hoạt động. 

Ông Hùng cho biết, ngày 9-3, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi tới Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ. Văn bản gửi Bộ trưởng nêu rõ: chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT hoàn toàn phù hợp với phán quyết của Toà án Công lý Châu Âu cũng như ý kiến của Bộ Công Thương. 

Vì vậy các hiệp hội đề nghị Bộ trưởng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan nhanh chóng xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86, nhằm quản lý tốt hoạt động vận tải để các doanh nghiệp, các loại hình vận tải được kinh doanh bình đẳng, minh bạch và phù hợp pháp luật.

Cùng đó, trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ ngày 9-3, đại diện 3 hiệp hội taxi lại tỏ rõ sự không đồng tình với Văn bản 14372/BGTVT ngày 29-12-2017 về đánh giá hoạt động thí điểm theo quyết định 24 và đề xuất tiếp tục gia hạn hoạt động mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ, không sửa chữa các sai sót, sơ hở đã và đang gây xáo trộn thị trường vận tải, tạo nhiều hệ lụy và bất ổn cho xã hội. 

Hiệp hội 3 miền cho rằng các hệ lụy đó thể hiện ở sai sót về việc Bộ GTVT cố tình không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm mặc dù Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu có khống chế số lượng. 

Sai sót nữa thể hiện trong việc không quản lý logo nhận diện của phương tiện tham gia thí điểm; Sai sót trong việc quy định về chất lượng dịch vụ và đăng ký chất lượng dịch vụ đối với loại hình này và sai sót nữa thể hiện ở việc Bộ GTVT để cho các đơn vị tham gia thí điểm vi phạm nghiêm trọng những quy định của pháp luật Việt Nam. 

Thứ 5, sai sót thể hiện ở việc số lượng phương tiện Uber, Grab tăng tới 60.000 xe, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Thứ 6 là vi phạm về đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Và cuối cùng là Đề án thí điểm có nhiều bất bình đẳng, tạo nguy cơ bất ổn cho xã hội. 

Vì vậy, hiệp hội taxi 3 miền kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo không cho tăng số lượng phương tiện đang hoạt động thí điểm vì đã quá nhiều; không mở rộng các tỉnh, thành phố ngoài phạm vi hoạt động thí điểm.

Đặng Nhật
.
.
.