Nguồn nước sinh hoạt ở Hải Phòng đang bị ô nhiễm
Đây là kênh duy nhất cung cấp nước tưới cho diện tích đất canh tác và tiêu thoát cho toàn bộ đất tự nhiên khoảng 400ha của các xã, phường nói trên và là nơi cung cấp nước thô sản xuất nước sạch phục vụ 80% dân số Hải Phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nguồn nước của kênh Bắc Nam Hùng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo khảo sát của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải, tuyến kênh này có187 điểm xả, trong đó 175 điểm xả là của các doanh nghiệp, còn lại là điểm xả của các khu dân cư. Song, cũng chỉ có 40 doanh nghiệp là có giấy phép xả thải vào nguồn nước.
Dọc kênh Bắc Nam Hùng xuất hiện nhiều cửa xả gây ô nhiễm môi trường. |
Mới đây nhất, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải kiểm tra 8 doanh nghiệp đã phát hiện 2 cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định khi xả thải. Đó là Công ty TNHH Hoa Đại (phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng), sản xuất, chế biến gỗ.
Theo quy định doanh nghiệp này thuộc đối tượng phải xin cấp phép xả thải, nhưng chưa có giấy phép xả thải. Trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH Hoa Đại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tất cả đưa ra hệ thống thoát nước khu dân cư, rồi xả trực tiếp xuống kênh Bắc Nam Hùng.
Cùng với đó là Công ty TNHH sản xuất Hưng Thịnh (xã Nam Sơn, huyện An Dương), hoạt động sản xuất chi tiết phụ tùng xe máy cũng chưa có giấy phép xả thải. Doanh nghiệp này để chất thải nguy hại ngoài trời, không có mái che chắn, nguy cơ làm ô nhiễm khi nước mưa tràn xuống kênh.
Cũng theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải, trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm kênh Bắc Nam Hùng được đề cập nhiều lần. Tuy nhiên, việc xử lý những cơ sở vi phạm thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, từ năm 2016, đoàn liên ngành của TP Hải Phòng kiểm tra 12 doanh nghiệp đã phát hiện đến 8 doanh nghiệp vi phạm xả thải. Điển hình là Công ty Hưng Thịnh xả nước thải có nhiều thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đề xuất xem xét đóng cửa cùng các biện pháp xử phạt hành chính, nhưng tất cả vẫn… nằm trên giấy. Hệ quả là doanh nghiệp tiếp tục sai phạm, nguồn nước ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn…
Cá trong kênh Bắc Nam Hùng chết trắng do nguồn nước bị ô nhiễm. |
Nguyên nhân nữa là tiến độ cấp phép xả thải của cơ quan chức năng chậm. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi, nhưng việc đôn đốc, kiểm tra doanh nghiệp tuân thủ xin cấp phép xả thải không đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường, chính quyền các địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu.
Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của TP Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải ngăn các điểm tiêu thoát từ tuyến kênh này vào sông Rế. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi theo thời gian và mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng thì việc thẩm thấu nguồn nước ô nhiễm ra sông Rế là không tránh khỏi.
Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải thực hiện việc nghiên cứu, tổ chức đầu tư xây dựng đoạn cống hộp cắt ngay quốc lộ 5 (phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng), dẫn nước từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm.
Cùng với các biện pháp ngăn điểm tiêu thoát, thay đổi dòng chảy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng Cảnh sát môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của TP Hải Phòng phải là nòng cốt phối hợp kiểm tra xử lý các “điểm nóng”.
Nếu phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng như xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra tuyến kênh thì tiến hành xử phạt nghiêm, thậm chí nếu đầy đủ yếu tố sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương cho các doanh nghiệp khác.