Ngư dân Vũng Chào hoang mang khi tôm hùm chết hàng loạt
- Nắng nóng, tôm chết hàng loạt
- Nhiều hộ dân điêu đứng vì cá, tôm chết hàng loạt
- Tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân
Lúc đầu tôm chết một vài con, nhưng gần đây tôm chết hàng loạt. Trong số hơn 500 con tôm hùm giống tui mới thả xuống với giá mua mỗi con 350.000 đồng, đã có gần 100 con bị chết, nên tui phải chuyển số tôm hùm giống còn lại về vùng biển Bãi Trước ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh. Mặt khác, tui phải lai dắt, di dời hàng chục lồng bè với hơn 1.000 con tôm hùm từ 4 đến 6 tháng tuổi đến vị trí có mực nước sâu hơn, nhưng chưa biết nay mai có ổn định hay không”.
Nhiều chủ lồng bè thủy sản ở Vũng Chào đang hoang mang lo lắng trước tình trạng tôm hùm chết hàng loạt. |
Cùng tâm trạng đó, người em trai của anh Khoa là Phan Văn Thoa chia sẻ: “Tui thả nuôi hơn 1.000 con tôm hùm, lúc đầu một vài con chết, sau đó số lượng tôm chết tăng dần lên hàng chục nên tui phải di dời về vùng biển Bãi Sau ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh để ngăn chặn thiệt hại tái diễn”.
Ông Phạm Đức Thành – Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết, chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng tôm hùm, tôm càng xanh ở Vũng Chào bị chết, nhưng theo ghi nhận của phóng viên ít nhất đã có gần 30 lồng bè nuôi tôm hùm ở đây bị thiệt hại do tôm chết.
Ngoài số lượng tôm chết ở mỗi lồng bè từ 50-70 con còn có hàng trăm con tôm hùm giống bị chết. Tư thương đến Vũng Chào mua tôm hùm chết với giá mỗi cân 350.000 - 400.000 đồng, trong khi tôm hùm sống có giá 1,3 - 1,4 triệu đồng.
Nhiều người dân địa phương nhận định, có thể tình trạng nắng nóng kéo dài, trong khi mật độ lồng bè tự phát khá nhiều, tảo độc phát triển, môi trường nước ô nhiễm gây ảnh hưởng khả năng hô hấp của con tôm nên dẫn đến sự cố nêu trên.
Tôm hùm chết giá bán tụt xuống mỗi cân chỉ còn 350.000 - 400.000 đồng. |
Khi nghe tôi hỏi vì sao ngư dân không khẩn báo tình trạng tôm chết hàng loạt cho chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác định nguyên nhân và sớm có biện pháp xử lý, không để tình trạng tôm chết trên diện rộng?
Một người dân cho biết, cách đây mấy năm, tình trạng tôm chết hàng loạt đã xảy ra, nhiều tổ công tác gồm những kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản và môi trường đã thu thập nguồn nước, mẫu tôm chết, thế nhưng sau đó người dân không nhận được thông tin phản hồi về kết quả kiểm nghiệm, không được hướng dẫn biện pháp phòng ngừa để hạn chế rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và không được hưởng chính sách hỗ trợ, nên bây giờ không ai muốn báo tin mà phải tự tìm hướng lo liệu.
Trong khi thông tin phóng viên thu thập được, năm ngoái Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã đến Phú Yên tiến hành quan trắc môi trường tại 4 vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, Xuân Phương - thị xã Sông Cầu và xã An Hòa - huyện Tuy An.
Kết quả quan trắc cho thấy, những vùng nuôi tôm nêu trên đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ, mật độ vi khuẩn vibrio tổng hợp đều vượt giới hạn cho phép từ 1,8 lần đến 3 lần, một số loài tảo độc vẫn còn xuất hiện gây suy giảm chất lượng nước và ảnh hưởng khả năng hô hấp của tôm hùm, nếu kéo dài tình trạng này sẽ không tránh khỏi nguy cơ tôm chết hàng loạt.
Lúc đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 và Trung tâm Giống - kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã khuyến cáo người nuôi tôm chú trọng thu dọn vệ sinh lồng bè, giảm mật độ tôm hùm trong mỗi lồng nuôi từ 80-90 con xuống 50 con, đồng thời kiểm quản nguồn thức ăn cung cấp cho tôm không để dư thừa, bổ sung định kỳ vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho con tôm.
Ngoài ra, ở những vùng nước xuất hiện tảo độc khá nhiều, cần phải thường xuyên thu gom, xử lý chất thải để hạn chế nguy cơ ô nhiễm và ngăn ngừa tảo độc phát triển. Những thông tin khuyến cáo đó có được chuyển tải đến người nuôi tôm hay không và được chuyển tải bằng hình thức nào để nâng cao hiệu quả nhận thức của người nuôi tôm là vấn đề cần được các cơ quan chức năng ở địa phương lưu tâm.
Với sự cố tôm chết lần này, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra và sớm có biện pháp hỗ trợ người dân để hạn chế thiệt hại. Về lâu dài, cần có một quy hoạch tổng thể nghề nuôi tôm hùm gắn liền với những giải pháp khoa học kỹ thuật có tính bền vững.