Nghệ nhân còn lại ở làng nghề thuyền thúng
- Vực dậy làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch
- Nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một
Đến Thọ Quang hỏi đan thuyền thúng (thúng chai) truyền thống, ai cũng giới thiệu lão ngư Phan Liêm, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Rót nước mời khách, ông trầm ngâm kể rằng, cách đây hơn chục năm, rẻo cát chạy dài dưới chân bán đảo Sơn Trà là nơi tập trung của nhiều ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản trên biển. Đời người làm nghề biển, lênh đênh trên biển không thể tách rời chiếc thuyền thúng. Nhưng nay, nghề đan thúng chai đã dần bị mai một bởi nhiều lý do...
Qua quá trình mở mang đô thị Đà Nẵng, rẻo cát dưới chân bán đảo Sơn Trà nay phố xá đã mọc lên sầm uất. Bãi biển Thọ Quảng một thuở heo hút giờ đã có con đường thảm nhựa thênh thang, mang tên vị tướng tài ba của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày ngày, biển Thọ Quang tấp nập khách du lịch đến tắm, tham quan. Và, ở khu neo đậu tàu thuyền, tàu thuyền có công suất lớn đã thay thế cho thuyền nan để đánh bắt hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, thúng chai vẫn rất cần thiết cho bà con ngư dân khi ra biển. Nhưng, thực tế những năm gần đây, thúng chai bán ra khá rẻ nên vì thế nhiều người phải bỏ nghề để tiếp cận với những nghề khác có thu nhập cao hơn. Nhân lực nghề đan thúng chai theo đó vơi dần. Hiện nay, ngoài cụ Phan Liêm, cả quận Sơn Trà chỉ còn hai người khác theo nghề…
Ở tuổi ngoài 70, cụ Liêm vẫn miệt mài đan lát, cố giữ lại nghề truyền thống. |
Nhắc đến nghề đan thuyền thúng, đôi mắt cụ Liêm cứ nhìn xa xăm về phía biển. Nơi những người vợ ngồi bệt trên bãi cát đợi chồng đi tàu khơi xa trở về, và khi cách bờ một khoảng cách nào đấy tùy theo mực nước, những chiếc thúng chai trở thành phương tiện phụ trợ chuyển ngư lưới cụ và những mớ mực, cá tươi nguyên lên bờ để đưa ra chợ.
“Nghề biển, dù tàu, thuyền có công suất lớn hay bé vì thế đều cần đến thúng chai trong quá trình đánh bắt. Nhưng để đan được một chiếc thúng phải mất ít nhất 5 ngày, trong khi mỗi chiếc thuyền thúng thường chỉ bán được 2 đến 2,5 triệu đồng. Trừ chi phí mua nguyên vật liệu, tiền công mỗi ngày thu về chỉ khoảng 120 nghìn đồng. Vì thế, ngày xưa các làng chài ven biển ở Sơn Trà hầu như nhà nào cũng đan, còn bây giờ nhu cầu cuộc sống thay đổi, việc kiếm ra đồng tiền có phần dễ hơn, nên không mấy ai còn mặn mà với nghề đau lưng, chai sần bàn tay này nữa”. Với chất giọng khàn đục, cụ Liêm buồn buồn nói.
“Phố xá mọc lên thay làng mạc và muốn có tre nguyên liệu để đan lát cũng phải đi xa đến huyện Hòa Vang, hoặc xa hơn nữa là vào các làng xã của tỉnh Quảng Nam. Đó là chưa kể các phụ liệu quan trọng khác như phân bò để quét ngoài lớp thúng chống thấm nước cũng trở nên rất khó tìm…”.
Sợ nghề đan thúng chai truyền thống bị mai một, cụ Liêm động viên và dạy nghề lại cho hai con trai của mình. Bấm đốt ngón tay, dọc theo các làng biển Đà Nẵng bây giờ chỉ vỏn vẹn còn có 3 người theo nghề đan “cha truyền con nối”, xem như là bằng chứng sống của một cái nghề còn sót lại.
Tôi hỏi cụ Liêm, ở tuổi này ông vẫn chưa nghỉ ngơi với nghề? Cụ khẽ trả lời: “Cuộc sống bây giờ không còn chật vật như xưa nhưng từ đời cha ông mình, nghề luôn song hành để hỗ trợ gia đình. Nghề có từ đời cha ông, đã hàng trăm năm rồi. Chừ bỏ nghề không đành”...
Chia tay cụ Liêm, trên đường về tôi thấy nơi nào ở làng biển Thọ Quang cũng phố xá, nhà tầng khang trang. Cả những con đường rải nhựa phẳng lì, chạy ngang dọc trong khu dân cư như bàn cờ. Duy chỉ có cái thế ngồi chẻ tre đan thúng của lão ngư Phan Liêm là không thay đổi…