Lối ra cho năng lượng sạch ở Việt Nam

Thứ Ba, 29/11/2016, 08:07
Muốn có điện sạch, phải giải quyết được vấn đề giá. Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sáng 28-11.

Muốn có điện sạch, phải tăng giá

Nhìn lại quá trình phát triển, Việt Nam đã từng rất dè dặt trong lựa chọn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vì tính thiếu ổn định (phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên) và chi phí đắt đỏ. 

Đấy là nguyên nhân 9 năm trước, Quốc hội đã lựa chọn thông qua chủ trương xây dựng 4000 MW điện hạt nhân. Tuy nhiên, đến nay, tình hình đã đổi khác, khi điện hạt nhân lại trở nên đắt đỏ và bất định hơn (vì vấn đề an toàn) và lựa chọn năng lượng tái tạo đã gần như trở thành bắt buộc, nếu không muốn phụ thuộc hơn nữa vào năng lượng nhập khẩu. 

Ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết: Nhìn vào nguồn năng lượng sơ cấp chúng ta có như than, khí... gần như đã ở mức bão hoà. Các nhà máy nhiệt điện than xây dựng trước đây còn dùng than nội địa, thì các nhà máy mới xây dựng đã phải dùng than nhập khẩu. 

Về khí, mỏ Nam Côn Sơn, PM3 cũng đã bắt đầu vào thời kỳ suy giảm. Nếu làm các nhà máy điện khí sau này sẽ phải tính đến nhập khí hỏa lỏng (LNG). Trong khi đó, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Việt Nam dự kiến đến 2030 sẽ có trên 10% nguồn điện là từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện). 

Ông Franz Genner, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng mục tiêu 18 GW điện gió, điện mặt trời trong tương lai của Việt Nam là một thách thức không nhỏ, và nút thắt phải giải quyết được là vấn đề giá điện.

Tại hội thảo ngày 28-11, bà Vũ Chi Mai, chuyên gia đến từ GIZ cho rằng thách thức lớn nhất trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là vấn đề giá. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của GIZ khi hỗ trợ Bộ Công Thương rà soát lại giá năm 2014, nếu Việt Nam phát triển được 1.000 MW điện gió thì suất đầu tư sẽ giảm đi, và giá điện gió không đắt nữa. 

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng về điện gió và điện mặt trời.

Theo bà Mai, để bù mức chênh lệch giữa giá mà Nhà nước đang trả được và giá thực tế để một dự án năng lượng tái tạo khả thi, mỗi một hộ dân chỉ phải trả thêm 5 đồng/1kWh điện thì Việt Nam sẽ có thị trường năng lượng tái tạo. 

“Thời gian tới, nhu cầu về điện của Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều, nhu cầu đầu tư rất cao (khoảng 7,9 tỷ USD/năm – pv), trong khi nguồn lực của Nhà nươc có hạn, phải kêu gọi bên ngoài. Song các nhà đầu tư nước ngoài chỉ vào khi giá điện của Việt Nam tăng lên” – bà Mai nhấn mạnh. 

Một số tổ chức quốc tế khác như WB cũng cho rằng từ nay đến 2020, giá điện của Việt Nam phải tăng thêm 40% nữa, cùng với lộ trình tiết kiệm điện hợp lý, mới giải được bài toán về điện.

Muốn tăng giá, phải minh bạch trước

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề giá điện theo nghĩa “nếu Việt Nam kiên quyết giữ giá thấp, sẽ đến ngày không có điện mà dùng”, được các chuyên gia nhắc đến, và chắc rằng cũng chưa phải lần cuối cùng. 

Theo GIZ, WB, giá điện Việt Nam ở mức 6,8 cent/kWh như hiện nay là thấp, ngay cả so với các nước có cùng trình độ phát triển. Tuy nhiên, việc tăng giá điện không phải dễ làm, bởi sẽ vấp phải phản ứng lớn từ dư luận. 

Phản ứng tiêu cực này có “đóng góp” của những “bóng ma” scandal trong quá khứ của EVN như đầu tư ngoài ngành, thua lỗ của EVN Telecom, hay sự thiếu công khai, minh bạch trong giá điện.

Theo ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM: Đức có 3 “trụ cột” trong chính sách năng lượng, đó là: Sử dụng hiệu quả năng lượng; Thị trường điện cạnh tranh và Phát triển năng lượng tái tạo. 

“Đức đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng tiêu thụ điện giảm. Giá điện được tách bạch chi phí sản xuất và phân phối với chi phí kết nối và truyền tải, bên cạnh đó là chi phí phụ thu để phát triển năng lượng tái tạo. Vấn đề chi phí cần giải thích rõ để người dân ủng hộ. Chi phí sản xuất có thể chỉ là 7,1 cent/kWh nhưng tổng chi phí bán điện có thể cao hơn thế. Tổng chi phí do thị trường cạnh tranh quyết định. 

Ở ta còn nhập nhèm, không rõ ràng, người dân không hiểu được cấu phần giá điện, nên cứ tăng giá là người dân lại kêu. Muốn thị trường điện phát triển được, đầu tiên là phải truyền tải độc lập, cơ quan điều tiết chỉ cần đảm bảo kết nối một cách công bằng, còn hệ thống kết nối cứ độc quyền không làm được. Hai nữa phải để cho người dân, doanh nghiệp tự do mua điện. Tự do hóa dễ làm nhất là tự do cạnh tranh ở phần bán lẻ điện” – ông Cung nhấn mạnh.

“Việt Nam cần nhất là minh bạch hóa sản xuất điện để người dân hiểu được sản xuất ra 1 kWh điện Nhà nước đã hỗ trợ bao nhiêu tiền. Trong tương lai, Nhà nước không thể tiếp tục hỗ trợ sản xuất điện được, vì Nhà nước phải đầu tư các vấn đề khác. Cuối cùng, người dân muốn có một môi trường sạch, thân thiện, sức khỏe tốt hay muốn thỉnh thoảng người dân miền Trung lại bị xả lũ phải sơ tán, mất mát, muốn những hộ dân quanh các nhà máy điện than bị ảnh hưởng sức khỏe?” – bà Mai nêu quan điểm.

TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng: Vấn đề giá điện không phải là tăng – giảm, mà là cơ chế giá. Làm sao để có cơ chế giá minh bạch, vừa là lối thoát cho bài toán năng lượng của Việt Nam, vừa là một công cụ để loại bỏ công nghệ “bẩn”, công nghệ tiêu tốn năng lượng, bởi vì Việt Nam đã duy trì một nền kinh tế thâm dụng năng lượng quá lâu.

Vũ Hân
.
.
.