Chuyển đổi hình thức đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam:

Liệu có phát sinh thêm vốn nhà nước?

Thứ Hai, 07/12/2020, 07:49
Sau hơn một năm tổ chức đấu thầu, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã không lựa chọn được nhà đầu tư.  Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi hình thức sang đầu tư công. Với đề xuất này, nhiều người băn khoăn liệu ngân sách nhà nước có bị “thâm hụt”  và tiến độ dự án có “ùn tắc”, dang dở… Để làm rõ vấn đề, PV Báo CAND đã có trao đổi với ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ PPP- Bộ GTVT.



PV: Thưa ông, đây không phải lần đầu tiên dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc-Nam được đề xuất chuyển đổi sang đầu tư công. Liệu điều này có tạo tiền lệ, cứ “khó” là xin chuyển đổi? Việc chuyển đổi này có làm tăng gánh nặng đầu tư công cho nhà nước trong điều kiện ngân sách đang gặp khó khăn?

Ông  Lê Kim Thành: Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội, trong tổng số 11 dự án thành phần có 6 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP. Kết quả đấu thầu 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP đến thời điểm hiện nay, có 3/5 dự án thành phần đã có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Đối với các dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, bên mời thầu đã tổ chức mở thầu và đánh giá bước 2 về tài chính - thương mại. Đối với 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư, căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu, quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã dự thảo Báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư.

Ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT).

Chính phủ đã nhận định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP phụ thuộc rất nhiều vào thị trường (mức độ rủi ro, lợi nhuận kỳ vọng, thị trường vốn tín dụng...) nên chưa thể khẳng định sẽ thành công.

Tại kỳ họp thứ 9, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều mặt, Quốc hội đã thông qua chủ trương chuyển đổi sang phương thức đầu tư công đối với 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư, đây được xem như tình huống bất khả kháng và Bộ GTVT đã cân nhắc kỹ lưỡng các phương án trước khi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi sang phương thức đầu tư công.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, 2 dự án thành phần này có tổng mức đầu tư khoảng 12.501 tỷ đồng. Sau khi rà soát tổng vốn đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần cho thấy, việc chuyển đổi sang đầu tư công đối với 2 dự án thành phần này sẽ phát sinh thêm vốn nhà nước nhưng sẽ cân đối từ nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 (tổng số vốn đã thông qua là 78.461 tỷ đồng).

Như vậy, việc chuyển đổi sang đầu tư công đối với 2 dự án thành phần nói trên không làm vượt mức vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, nguyên tắc phân bổ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công cần tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành.  

PV: Trong trường hợp việc chuyển đổi chưa được chấp thuận, thì tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam liệu có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

Ông Lê Kim Thành: Đối với các công trình giao thông, đặc biệt cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, là trục huyết mạch có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên việc sớm hoàn thành đưa vào khai thác sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ là phải ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Mặc dù khi phân chia các dự án thành phần, Bộ GTVT đã tính toán để các dự án hoàn thành trước có thể khai thác độc lập trong bối cảnh áp lực giao thông trên tuyến quốc lộ 1 ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, việc một số dự án thành phần chưa hoàn thành đồng bộ cũng có phần tác động đến hiệu quả khai thác toàn bộ dự án.

Đến nay, các nội dung về thiết kế kỹ thuật, dự toán đã hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng tại 2 dự án này đã đạt khoảng 92% khối lượng. Nếu được cấp có thẩm quyền sớm quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư thì đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thi công ngay trong quý I, quý II năm 2021, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023 đồng bộ với các dự án từ Ninh Bình (Cao Bồ) đến Tiền Giang (cầu Mỹ Thuận 2); đồng thời sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng người dân đã bàn giao để triển khai thi công, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.

PV: Với trường hợp chuyển đổi hình thức đầu tư hai dự án trên thì người dân sẽ được lợi gì? Phương án thu phí sẽ được tính như thế nào nếu hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu trên được chuyển đổi đầu tư công?

Ông Lê Kim Thành: Theo tính toán, nếu thực hiện điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đầu tư PPP sẽ kéo dài thêm thời gian tối thiểu khoảng 10 tháng, nhưng cũng không thể khẳng định sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.

Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai, sẽ không thể xác định được thời gian hoàn thành dự án. Nếu được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư, việc triển khai dự án sẽ đảm bảo chắc chắn thành công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, sớm giảm tải cho tuyến quốc lộ 1 song hành, việc lưu thông của người dân sẽ an toàn, thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành các dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Trong phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyển đổi sang đầu tư công đối với 2 dự án thành phần này, Chính phủ cũng đề xuất phương án thu phí để thu hồi vốn nhà nước tương tự 6 dự án thành phần đầu tư công đã được Quốc hội thông qua.

PV: Ông có thể  đánh giá về cái được và mất của việc chuyển đổi hình thức đầu tư hai dự án thành phần này?

Ông Lê Kim Thành: Từ thực tế cho thấy, việc triển khai thành công các dự án theo phương thức PPP phụ thuộc nhiều vào thị trường, không thể áp đặt bởi các mệnh lệnh từ phía cơ quan nhà nước. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư hai dự án thành phần cao tốc nói trên được xem như là hình thức xử lý tình huống cụ thể, cá biệt.

Qua thực tế triển khai các dự án PPP giai đoạn trước đây và các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, các cơ quan hoạch định chính sách cần có đánh giá tổng quan về chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, qua đó để tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn chỉnh cơ chế chính sách phù hợp về đầu tư theo phương thức đầu tư PPP, nhằm tiếp tục thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.