Hội An “thấp thỏm” biển nuốt bờ

Thứ Hai, 05/10/2015, 16:12
Nguyên nhân bờ biển Cửa Đại sạt lở nặng trong mấy năm qua chủ yếu là do thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn ngăn sông, suối không cho cát và bùn đổ về.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, tình trạng sạt lở tại bờ biển Cửa Đại vốn đã nghiêm trọng, sau cơn bão số 3 lại càng trầm trọng hơn.

Tuyến bờ biển Cửa Đại dài hơn 6km, trong những năm gần đây, bị biến động sạt lở nghiêm trọng. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền tại khu vực phường Cửa Đại từ 30m- 50m.

Cửa Đại- Hội An ngày ngày đối mặt với sạt lở.

Đặc biệt, năm 2014 đoạn bờ biển từ bãi tắm công cộng đến cầu cảng Cửa Đại bị sạt lở rất lớn gây ảnh hưởng đến nhiều công trình ven biển, các tuyến đường giao thông và gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân…

Được biết, trung tuần tháng 9 vừa qua, chính quyền Quảng Nam đã mời các nhà khoa học trong và ngoài nước tổ chức hội thảo “cứu” lấy biển Cửa Đại. Đa số các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, nguyên nhân bờ biển Cửa Đại sạt lở trong những năm qua là do thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn ngăn sông.

Đáng nói, trong khi chính quyền TP. Hội An (tỉnh quảng Nam) và nhà khoa học đang còn tìm giải pháp “khắc phục sạt lở”, thì nhà doanh nghiệp, tức chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng, resort ven biển Cửa Đại bị sạt lở mỗi năm đã phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để chống sạt, nhưng đây chỉ là giải pháp cục bộ, tình thế và ảnh hưởng đến giải pháp chung.

Nước biển tấn công sâu, lần bờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến tính mạng, phá hủy các công trình xây dựng và tài sản của người dân.

Và các nhà khoa học cho rằng, hiện nay rất cần liên kết 3 nhà là Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp mới có thể giải quyết nhưng vấn đề lại là nguồn vốn. Tại hội thảo vừa qua, số liệu cho thấy, kè chống sạt lở kè chắn sóng thì kinh phí cho 1km là  hơn 50 tỷ đồng.

Trong khi đó, Hội An có 6km đang trong tình trạng sạt lở nghĩa là hơn 300 tỷ đồng cho công tác chống sạt lở. Còn nếu sử dụng phương án kè tổng hợp (kè kết hợp với việc nuôi bãi) thì con số sẽ vượt quá 50 tỷ đồng/km rất nhiều. Như vậy, muốn giải quyết tận gốc vấn đề phải có hàng nghìn tỉ đồng.

Cũng theo lãnh đạo TP. Hội An, mùa mưa bão đã trước mắt, giải pháp tình thế đối với vùng bờ biển ở Cửa Đại là phải di dời dân và du khách ra khỏi vùng sạt lở.

Còn lâu dài,  khi đã có kết luận chính thức của các nhà khoa học sạt lở biển Cửa Đại là do thủy điện thì buộc các nhà máy thủy điện phải cùng nhau phòng chống sạt lở thì mới có giải pháp bền vững để bảo vệ bờ biển này.

Hoài Thu
.
.
.