Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5 m khi đi học trở lại: Quy định khó khả thi

Chủ Nhật, 26/04/2020, 14:01
Theo Công văn số 2234 của Bộ Y tế gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc triển khai phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, trong thời gian ở trường, học sinh (HS) phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 m. Tuy nhiên, nhiều địa phương và cơ sở giáo dục cho rằng, yêu cầu này rất khó thực hiện với điều kiện thực tế trường lớp hiện nay.


Thái Bình và Cà Mau là 2 địa phương đầu tiên trên cả nước cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại vào giữa tháng 4. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, một số trường THCS và THPT mới cho HS khối 9 và khối 12 đi học nên phòng học cũng như giáo viên trống tiết dạy rất nhiều. Các trường chia đôi lớp học, bố trí học sinh ngồi hình chữ Z để đảm bảo khoảng cách. 

Tuy nhiên, việc giãn cách cũng chỉ tương đối, trong phạm vi khoảng 1 m chứ không thể áp dụng cứng là 1,5 m như hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Còn tại Cà Mau, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh này cũng cho rằng, việc giản cách chỉ đảm bảo được ở thời điểm toàn tỉnh mới chỉ có 2 khối lớp học sinh đến trường. Khi học sinh các cấp đi học đại trà, quy định này rất khó thực hiện vì không đủ giáo viên và phòng học.

Trường học tăng cường vệ sinh trường lớp để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại

Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cũng vừa ban hành hướng dẫn về việc đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh THCS và THPT đi học trở lại từ 27-4. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành, việc thực hiện giảm, giãn số học sinh trong phòng học, có thể thực hiện theo hai phương án. Đối với các lớp có sỹ số học sinh không cao, diện tích phòng học cho phép thì bổ sung, sắp xếp bàn, ghế đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. 

Đối với các lớp có sỹ số học sinh cao, diện tích phòng học không đủ để giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc thì thực hiện giảm số học sinh trong phòng học bằng cách tách học sinh các lớp đó và thành lập lớp mới theo từng khối lớp. “Sở GD&ĐT đã tham vấn ý kiến của Sở Y tế và thống nhất khoảng cách 1 m là có thể chấp nhận được, vừa đảm bảo an toàn, vừa phù hợp với điều kiện thực tế. Các lớp có thể kéo dãn bàn ghế ra để học sinh ngồi đầu bàn và cuối bàn là 1 m”- đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết.

Hà Nội là một trong số nhiều địa phương đang xây dựng kịch bản cho HS cuối cấp đi học trở lại từ ngày 4-5. Tuy nhiên, do sĩ số các trường ở nội thành Hà Nội quá đông, nhiều trường lên tới 50 - 60 HS/lớp nên nếu thực hiện quy định giãn cách kể trên, mỗi lớp phải chia ba. 

Theo lãnh đạo nhiều trường trên địa bàn, điều này không khả thi vì không có đủ giáo viên và phòng học. Lãnh đạo Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: Thực tế, trường học chỉ vẻn vẹn 900 m vuông lại có tới 900 học sinh. Dãy phòng học được xây chồng lên 4 tầng mới chỉ có 20 phòng học, sĩ số học sinh hiện ở mức 37 đến 50 học sinh. 

Do đó, nếu ngày 4-5 tới, chỉ có học sinh khối 9 đi học thì có thể chia đôi lớp, thực hiện được giãn cách đảm bảo khoảng cách 1,5m giữa các học sinh. Còn khi học sinh toàn trường đi học, phương án này không thể thực hiện được. Đồng quan điểm này, Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho rằng: Mục tiêu an toàn trên hết là đúng nhưng giải pháp quay lại trường đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m giữa các HS là rất khó triển khai nếu cả 3 khối lớp đồng loạt trở lại trường. Nếu chỉ lớp 12 đi học lại thì còn có thể thực hiện được. 

Cụ thể, mỗi 1 lớp chia thành 2 lớp nhỏ nhưng khi ấy giáo viên dạy khối 12 sẽ phải tăng gấp đôi hoặc phải dạy 2 buổi một ngày. Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế phải đảm bảo khoảng cách 1,5m giữa 2 học sinh là khó khả thi khi tất cả các khối lớp ở Hà Nội đều đi học. 

Bởi vì các trường ở khu vực nội thành hiện đều phải học 2 ca. Nếu thực hiện giãn cách như vậy, mỗi lớp ít nhất sẽ phải tách làm 2 và khi đó không có đủ phòng học, bàn học cũng như giáo viên dạy học. Vì thế, việc này chỉ có thể thực hiện được khi chỉ có lớp 9, lớp 12 đi học. “Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đang tính toán để đưa ra hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, làm sao vừa đảm bảo an toàn cho HS nhưng cũng phải khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nhà trường trên địa bàn”- ông Tiến cho hay.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, để đảm bảo đúng quy định giản cách 1,5 m khi học sinh đi học trở lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã yêu cầu các nhà trường nếu lớp học đông sẽ tách đôi, đảm bảo lớp học không quá 20 học sinh. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, điều này là không khả thi vì cơ sở vật chất không đáp được và cũng không đủ giáo viên để giảng dạy. Do vậy,  Bộ GD&ĐT cần tham vấn Bộ Y tế, trên cơ sở đó có thể đưa ra quy định và hướng dẫn phù hợp, vừa đảm bảo an toàn nhưng cũng không “gây khó” cho các nhà trường trong triển khai thực hiện.

Huyền Thanh
.
.
.