Hoang mang vì sống gần công trường thủy điện Nhạn Hạc

Thứ Ba, 26/04/2016, 17:29
Hàng ngày khi mìn tại công trường xây dựng thủy điện Nhạn Hạc rung lên là hàng chục hộ dân sống gần hoang mang, lo lắng cho sự an nguy của mình và người thân. Đá văng rơi vào nhà, bụi mù trời, rung lắc… là những gì người dân phải hứng chịu trong thời gian qua, đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Dự án Thủy điện Nhạn Hạc với công xuất 59MW được xây dựng tại bản Đan, xã Quế Sơn (Quế Phong, Nghệ An) với tổng mức đầu tư 1.881 tỷ  đồng, do Công ty cổ phần Za Hưng (gọi tắt là Cty Za Hưng) làm chủ đầu tư, được khởi công từ cuối năm 2015. Khi dự án về đầu tư xây dựng, nhân dân hết sức phấn khởi và vui mừng vì nguồn điện sẽ được bổ sung, nhân dân sẽ không “đói điện” nữa. Người dân được vận động nhường đất cho dự án, những hộ bị ảnh hưởng được lên phương án đền bù GPMB và di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số hộ dân chưa thống nhất được giá đền bù nên vẫn chưa đồng ý di dời, và dự án vẫn triển khai xây dựng.
Công trường xây dựng thủy điện Nhạn Hạc.

Trong quá trình triển khai dự án đơn vị thi công là Cty Za Hưng phải dùng đến phương án nổ mìn, phá đá, tuy nhiên quá trình nổ mìn phá đá đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự an nguy và cuộc sống của các hộ dân sống cạnh dự án.

Sống gần diểm triển khai dự án, ông Vi Văn Phấn cho biết, “Từ năm 1983 gia đình tui đã đến đây làm nhà kiên cố để sinh sống ổn định. Dự án làm thủy điện bà con cũng mừng lắm, nhưng đất đá do nổ min rồi đào đất khiến nhà hư hỏng. Không thấy họ thông báo giờ nổ mìn nên nhiều lúc tiếng mìn nổ ầm trời mới biết là họ nổ mìn, sống ở đây sợ lắm chỉ muốn di dời sớm đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống thôi”. Ngôi nhà ông Phấn nằm cách taluy dự án không xa.

Điểm ta luy của dự án cách nhà dân chưa đầy 10m.

Một người dân bản khác cũng bức xúc “Nhiều lúc nằm trên giường mà mìn nổ rung cả nhà, cả giường, đất đá bay rào rào tứ tung vào nhà. Sống ở đây sợ lắm, không biết chừng là đá rơi vào người khi mô đây…”.

 Hầu hết những người dân sống quanh dự án đều là người đồng bào dân tộc Thái nên có văn hóa làm nhà sàn bằng gỗ. Những ngôi nhà sàn cũ kỹ đã nhiều năm dựng lên rung lắc mỗi khi mìn nổ và không biết sập khi nào là điều người dân lo ngại nhất. Để phục vụ dự án, công nhân phải hạ độ cao ngọn núi, tuy nhiên một số hộ làm nhà giữa ngọn đồi nên khiến phần đất phía dưới bị sạt lở khiến họ hết sức hoang mang.

Nguy cơ sạt lở có thể xảy ra trong mùa mưa đối với những hộ dân sống gần công trường xây dựng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban QLDA thuỷ điện Nhạn Hạc cho rằng, việc ảnh hưởng về tiếng ồn trong thi công là không tránh khỏi, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đã được đánh giá tác động môi trường nằm trong mức cho phép.

 “Ban đã phối hợp với chính quyền xã thống kê và rà soát các hộ dân gần dự án có nguy cơ sạt lở, và các hộ bị thiệt hại do nổ mìn để lên phương án đền bù theo quy định. Tuy nhiên, một số yêu cầu của bà con quá cao, có chiều hướng tiêu cực mang tính trục lợi. Ban và chính quyền gặp gỡ đối thoại với bà con vận động và đền bù hỗ trợ nhưng nhiều hộ dân không đồng ý từ chối hợp tác khiến vụ việc chưa có phương án giải quyết…”, ông Tùng cho hay.

Cũng theo ông Tùng những hộ khác ảnh hưởng bị đá văng, thì phía Cty cũng tiến hành kiểm đếm nhưng do chưa thống nhất được về giá bồi thường, hỗ trợ.

Đỉnh điểm bức xúc, vì phản ánh đơn thư lên các cấp chính quyên nhưng không được giải quyết cuối tháng 2-2016, người dân trong bản kéo đến công trường yêu cầu ngừng thi công và xảy ra xô xát với công nhân.  Đầu tháng 3 vừa qua, huyện Quế Phong đã có thông báo giải quyết vụ việc, theo đó: ba hộ ông Vy Văn Thiệp, Lộc Văn Dũng, Lô Văn Hùng phải di dời khởi nơi ở để đảm bảo an toàn. Đối với các trường hợp khác còn lại bị ảnh hưởng bởi đá văng, rung lắc thì thành lập tổ kiểm kê, kiểm đếm từng hộ gia đình, xác định mức độ thiệt hại, kiểm kê, áp giá bồi thường, nếu hộ gia đình nào không ký thì sẽ không thanh toán tiền hỗ trợ và bồi thường.

Việc xây dựng dự án là điều cần thiết, nhưng không phải vì thế mà bỏ rơi tính mạng và sự an nguy của người dân. Ban QLDA, chính quyền nhân dân các cấp cần có phương án hợp lòng dân, sớm đưa nười dân ra khỏi nơi nguy hiểm trước khi tiếp tục cho triển khai thi công, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tân Nghệ
.
.
.