Hộ sử dụng dưới 700KWh/tháng được giảm tiền điện

Thứ Ba, 03/03/2020, 08:34
Mới đây, phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang được Bộ Công thương xây dựng và gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, việc cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt thực chất không phải là điều chỉnh giá điện mà chỉ xem xét lại các bậc thang giá điện sinh hoạt cho phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay của các khách hàng.

Về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đề xuất 4 phương án bao gồm 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc, trong đó phương án 5 bậc có hai kịch bản.

Phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang đang được lấy ý kiến các bộ, ngành.

Theo đó, Bộ Công thương đưa ra 2 kịch bản tính giá bán lẻ điện 5 bậc đều dựa trên nguyên tắc đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi, dùng trên 700kWh/tháng sẽ phải trả giá điện cao hơn, nhưng chỉ đề xuất 1 kịch bản.

Theo kịch bản 1, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang (thay vì 6 bậc thang như hiện hành); trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101 - 200kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700kWh; bậc 5 từ 701kWh trở lên.

Kịch bản 2 là giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700kWh; giá điện của bậc 201 - 400kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400kWh) của giá điện cũ.

Theo Bộ Công thương, ở cả 2 phương án này, các hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700kWh/tháng sẽ có tiền điện phải trả giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 700kWh/tháng phải trả tăng tiền điện để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700kWh.

Tuy vậy, so sánh giữa 2 kịch bản, Bộ Công thương cho rằng, mức tăng giá giữa các bậc ở kịch bản 1 hợp lý hơn. Đặc biệt, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối.

Tại một số khu vực, mức chênh lệch cũng tương tự, như: Nam California (Mỹ) là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần; Thái Lan là 1,65 lần… Trong khi đó, mức chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng ở kịch bản 2 là 1,86 lần, thấp hơn một số khu vực nêu trên, nhằm khuyến khích các hộ có mức sử dụng điện lớn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh đó, kịch bản 2 gây tác động đến nhiều nhóm khách hàng hơn. Tính toán sơ bộ của Bộ Công thương cho thấy, khoảng 3,6 triệu hộ có mức tiêu thụ điện từ 200-300 kWh/tháng và 500 nghìn hộ sử dụng từ 701kWh/tháng sẽ phải trả tiền tăng lên. Trong khi  ở phương án 1, chỉ có khoảng 500 nghìn hộ sử dụng điện từ 701kWh/tháng trở lên phải trả tăng thêm tiền.

Một nguyên nhân khác khiến Bộ Công thương đề xuất kịch bản 1 là mức tác động đến các hộ có mức sử dụng trên 700 kWh là không lớn và các hộ sử dụng điện dưới 700 kWh có tiền điện phải trả thấp hơn so với kịch bản 2. Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang đang được Bộ Công thương lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện trước khi áp dụng.

Phan Đức
.
.
.