Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình
- Hà Nội chi 36 tỷ đồng cho điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone
- Hiệu quả tích cực từ chương trình cai nghiện bằng thuốc Methadone
- Tự cai nghiện vì sợ con gái không lấy được chồng
Khoảng 10 năm trước, nhiều thanh niên trai tráng của miền quê Đại Quang, bên dòng sông Vu Gia, vì ước mong đổi đời đã tham gia vào các đoàn người lên những bãi vàng ở huyện Phước Sơn để tìm kiếm cơ hội. Và sau đó, không ít người trở về thân tàn ma dại, vì nghiện ma túy. Anh Nguyễn Văn C. (41 tuổi) là một trường hợp điển hình.
Ngỡ cuộc đời mình đã bỏ đi, song nhờ sự giúp đỡ tích cực của mô hình hỗ trợ cai nghiện tại gia đình, bằng nghị lực của bản thân, anh C. đã đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu”, trở thành một công dân lao động sản xuất giỏi tại địa phương. Đến nay, anh đã có vợ và 2 người con xinh xắn, kinh tế gia đình khá vững khi sở hữu 25ha rừng keo lai. Hiện tại, anh C. đã lập trang trại có diện tích 3ha nuôi hàng chục con lợn nái và lợn thịt kết hợp với nuôi 3.000 con gà đẻ trứng, đào ao thả cá.
Các thành viên của mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình họp bàn triển khai công việc. |
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đại Quang, cho rằng, câu chuyện về anh C. là tấm gương để những người nghiện ma túy học tập, vượt qua “vũng lầy” để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.
“Tình trạng nghiện ngập ma túy xuất hiện tại địa phương này khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhiều thanh niên lên các bãi vàng rồi dính vào ma túy. Đứng trước thực tế đó, lãnh đạo xã đã quyết định thành lập mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình để giúp họ cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng. Với những người đã cai mà chưa có việc làm ổn định, địa phương còn hỗ trợ giới thiệu vào các nhà máy đóng trên địa bàn để có việc làm ổn định, nhằm không tái nghiện”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng đã giúp đỡ được hàng chục người cai nghiện thành công. Có người sau cai đã được chính quyền và nhân dân giao giữ vị trí quan trọng trong thôn xóm, như anh Đoàn Ngọc H (34 tuổi). Vì muốn đổi đời nên cách đây vài năm anh H. cùng bạn bè lên Phước Sơn tìm vàng, rồi sa vào nghiện ngập.
Sau khi trở về địa phương, được mọi người động viên và sự giúp đỡ nhiệt tình từ các thành viên của mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình, anh H. nỗ lực vượt qua bao đợt lên cơn nghiện đầy đau đớn. Và cuối cùng anh cũng đã cai được ma túy, được lãnh đạo xã và người dân tin tưởng bầu giữ nhiều chức vụ tại thôn; được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những khó khăn khi triển khai mô hình này. Ông Nguyễn Minh Vương, Trưởng Công an xã Đại Quang, cho rằng cái khó hiện nay là các đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa. Việc xác định đối tượng nghiện phải qua 4 lần kiểm tra rất phức tạp. Vì vậy, công tác tuyên truyền phòng ngừa tệ nạn ma túy được xã đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh Quảng Nam hiện chỉ có Trung tâm phòng ngừa lây nhiễm HIV tại TP Tam Kỳ cấp phát thuốc methanol để điều trị cai nghiện cũng gây nhiều khó khăn về việc đi lại cho những người muốn lấy thuốc cai nghiện về uống hằng ngày.
Nhờ hoạt động hiệu quả trong những năm qua mà mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình ở xã Đại Quang đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam đánh giá cao và đã được báo cáo thành tích tại hội nghị tổng kết về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Quảng Nam năm 2016 để các địa phương khác trong toàn tỉnh nghiên cứu, vận dụng, từ đó góp phần tạo nên một xã hội “nói không với tệ nạn ma túy”.