Cần Chặn đứng sự 'chảy máu' đất và rừng nông lâm trường:

Bài 4: Hệ lụy của mớ 'bòng bong' quản lí

Thứ Hai, 12/10/2015, 09:20
Loay hoay chuyển đổi các mô hình để bảo vệ, khai thác tiềm năng đất và rừng trong nhiều năm qua, song kết cục rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá. Nắm trong tay đến hơn hàng triệu hécta đất, các nông lâm trường không những không tạo ra giá trị, mà còn làm mất dần khối tài sản vô giá của rừng...

Không ai “khóc cha chung”

Tình trạng “xẻ thịt” đất nông lâm trường đã diễn ra trầm trọng nhiều năm qua. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay, trên phạm vi cả nước mới có 447 tổ chức đang quản lí, sử dụng đất nông, lâm nghiệp thực hiện việc đo vẽ bản đồ các loại với tổng diện tích 5.942.000ha, chiếm 69,5% số tổ chức và 74,3% diện tích. Phần lớn các nông lâm trường chưa thực hiện rà soát, cắm mốc và đo đạc ranh giới để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất (trừ các nông, lâm trường trên địa bàn 3 tỉnh Hà Tĩnh, Hòa Bình, Tuyên Quang). 

Tính đến ngày 31/12/2014, mới có 264 công ty nông, lâm nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm 145 công ty nông nghiệp, 119 công ty lâm nghiệp) với tổng diện tích 1.264.619ha. Việc thu hồi đất của các nông lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ”, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất.

Một biệt thự xây dựng trên phần đất sản xuất của Công ty cổ phần Việt Mông (Ba Vì Hà Nội). Ảnh: Mạnh Hùng.

Theo ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lí đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường), nhiều nông lâm trường không có con số chính xác về diện tích đất đang quản lí. Có nhiều nguyên nhân do lịch sử để lại như, khi thành lập các nông lâm trường, hầu hết cư dân còn rất thưa. Do việc bàn giao chỉ được thực hiện trên giấy tờ nên xảy ra tình trạng chồng lấn lên đất nương rẫy, đất rừng truyền thống của người dân sở tại. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, các nông lâm trường vẫn giữ nguyên đất đai mà không trả lại đất nương rẫy cho người dân địa phương. Ông Lịch cũng cho rằng, việc xử lí tranh chấp không thể thực hiện được ngay. 

“Ở Tây Ninh có tình trạng nông trường cho mượn đất từ những năm 1990, có nơi cho mượn có hợp đồng, có nơi không. Người dân đầu tư sản xuất đến nay cũng mấy chục năm, muốn lấy lại đất cũng phải để cho họ thu hoạch xong. Hay đồng bào dân tộc sống ở vùng có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể và xử lí theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ. Vùng nào có thể chuyển đổi được quy hoạch thì chuyển đổi, nếu phải di dời thì cần tìm được nơi tái định cư cho người dân” – ông Lịch nói.

Và những hệ lụy

Nhiều cơ quan quản lí nhưng trách nhiệm không rõ ràng; khó phát hiện sai sót và khi đã sai thì chậm hoặc rất khó sửa chữa là những căn nguyên sâu xa khiến rừng bị tàn phá, đất đai của các nông lâm trường bị lấn chiếm vô tội vạ... 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng khu vực Tây Nguyên hiện có trên 2,5 triệu hécta. Từ năm 2008 đến 2014, rừng ở Tây Nguyên giảm trên 350.000ha, trung bình mỗi năm mất hơn 50.000ha rừng. Có nhiều nguyên nhân: Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang trồng cao su và làm thủy điện (hơn 120.000ha); phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng “quét” gọn hơn 88.000ha. Các chủ thể để mất rừng là công ty lâm nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các dự án “công - tư hợp tác” trên đất rừng. 

Trước tình trạng nhức nhối trên, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt; mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý vụ phá rừng tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Việc thực hiện giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật, như giao khoán diện tích đất lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất; có nơi ký hợp đồng giao khoán với tư nhân ở nơi khác thay vì giao khoán cho người dân tại chỗ. 

Một số công ty đã khoán cho các hộ gia đình nhưng người nhận khoán không được hỗ trợ về giống, vật tư, kỹ thuật hoặc bên giao khoán chỉ dùng nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ (thực chất bên giao khoán chỉ khoán trắng, thu “địa tô”), tạo ra những kẽ hở để lợi dụng chính sách. 

Tình trạng hộ nhận khoán đất của công ty lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán không thông qua công ty, sang tên đất cho các đối tượng khác không phải là cán bộ, công nhân của công ty diễn ra ở một số nơi. Việc tự ý xây dựng nhà kiên cố trên đất nhận khoán khá phổ biến đối với vùng đất ven đô thị, như thực tế ở huyện Ba Vì đã phản ánh ở bài 1 của chuyên đề này.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất lâm nghiệp các công ty lâm nghiệp quản lý là: 2.062.340ha, trong đó diện tích đất có rừng là 1.750.990ha, chiếm 85% tổng diện tích. Các ban quản lý rừng từ lâm trường quốc doanh chuyển đổi sang quản lý 1.350.625ha, diện tích đất bàn giao về cho địa phương quản lý là 415.125ha. 

Tình trạng tranh chấp và vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dưới các hình thức lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật; nhiều trường hợp kéo dài đã nhiều năm nhưng chậm được giải quyết, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. 

Hiện có 54 nông lâm trường, ban quản lý rừng còn có tranh chấp với diện tích 18.315ha; 76 nông lâm trường, ban quản lý rừng bị lấn chiếm với diện tích 59.668ha; 34 nông lâm trường, ban quản lý rừng đang cho mượn, chuyển nhượng đất với diện tích 5.034ha; 6 nông, lâm trường, ban quản lý rừng đang cho thuê lại đất với diện tích 8.764ha.

Nông lâm trường vẫn muốn được “bao cấp”
Ông Lê Văn Lịch.

Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lí đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho rằng, sự phát triển thụt lùi của các nông lâm trường xuất phát từ sự ỷ lại cơ chế bao cấp và chậm đổi mới mô hình sản xuất. Cơ chế thuê đất sẽ buộc các công ty phải nâng cao trách nhiệm, tổ chức hoạt động cho hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, phần lớn các nông lâm trường vẫn muốn duy trì cơ chế bao cấp, tức là giao đất không thu tiền. Cả nước có 642 nông lâm trường đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 7.599.580ha; trong đó có tới 526 nông lâm trường (chiếm 89,1%) được Nhà nước giao đất không thu tiền.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2004 - 2014, đơn vị này đã thực hiện 8 cuộc thanh tra có liên quan đến việc quản lí, sử dụng đất tại các nông, lâm trường. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế tới 229 tỉ đồng và 679.056ha; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 126 tỉ đồng, kiến nghị xử lí khác 103 tỉ đồng.
Duy Hiển – Hà Ly – Vũ Hân – Ngọc Như
.
.
.