Cần chặn đứng sự “chảy máu” đất và rừng nông lâm trường

Bài 3: "Cánh chim đầu đàn"... gẫy cánh!

Chủ Nhật, 11/10/2015, 08:52
Trái với kì vọng trở thành “cánh chim đầu đàn” trong kinh tế nông nghiệp, có tới 30/125 nông trường được khảo sát đang trong tình trạng thua lỗ với các khoản nợ phải trả là 16.569 tỉ đồng.

Với các lâm trường, tình hình còn tồi tệ hơn khi bình quân lợi nhuận của một công ty quản lí rừng tự nhiên chỉ đạt 57.000 đồng/ha/năm, chỉ bằng giá trị một bát phở ngon ở Hà Nội.

Sai chồng lên sai

Về với vùng đất Mang Yang (Gia Lai), chúng tôi vẫn cảm nhận được sự bức xúc của dư luận trong vấn đề buông lỏng quản lý, lãng phí đất đai kéo dài. Ngoài việc phá rừng thông, lấn chiếm đất chưa giải quyết xong thì chuyện lãng phí đất đai ở Công ty Chè Ayun một thời làm ăn thua lỗ phải giải thể, đến giờ vẫn còn nóng hổi.

Công ty Chè Ayun (trước đây là Nông trường Chè Ayun) có tổng diện tích đất ban đầu được giao 5.300 ha. Do quản lý lỏng lẻo, hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ đã dẫn đến nhiều diện tích đất bị người dân lấn chiếm trái phép, giao khoán trái quy định nên hiện chỉ còn lại 1.102 ha. Năm 2008, Nông trường Chè Ayun đã thua lỗ, nợ hơn 22 tỉ đồng của các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Gia Lai và không có khả năng chi trả và không còn vốn để hoạt động nên họ phải “dắt nhau ra tòa” để giải quyết công nợ.

Năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản đồng ý cho phép phá sản Công ty Chè Ayun theo quy định của pháp luật, đồng thời giao Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Gia Lai kê biên, phát mãi tài sản thế chấp ngân hàng để thi hành án theo bản án đã xét xử. Việc kê biên bán vườn chè, cà phê của công ty đã được UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên hóa giá cho người lao động nhận khoán vườn cây của công ty để tạo điều kiện cho họ ổn định sản xuất và đời sống. Tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo tuyệt đối không được chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và đất phi nông nghiệp khác. 

Đối với diện tích đất có tài sản vườn cây, nhà cửa thuộc công ty quản lý đã thế chấp ngân hàng, khi tổ chức thi hành án không được kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ thực hiện bán tài sản trên đất. Số diện tích vườn chè, cà phê mà người dân đã chặt phá, chuyển nhượng đất, sử dụng không đúng mục đích thì không cho thuê đất... Sự chỉ đạo của cấp thẩm quyền khá quyết liệt nhưng sau đó tình trạng chuyển nhượng, sử dụng đất trái phép vẫn diễn ra phức tạp.

Rừng Mang Yang (Gia Lai) bị tàn phá, trong khi Công ty Chè Ayun bị thua lỗ hàng chục tỷ đồng, nhiều diện tích đất bị người dân lấn chiếm.

Tháng 9/2013, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 136/QĐ-UBND về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất của Công ty Chè Ayun và giao cho UBND huyện Mang Yang quản lý. Diện tích thu hồi hơn 1.102 ha, trong đó tại địa phận thị trấn Kon Dơng 486,3 ha, địa phận xã Đak Djrăng hơn 615,9 ha. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên nhiều diện tích đất công ở đây đã bị người dân và doanh nghiệp phân lô chiếm dụng. 

Tại khu vực đồi 744 (xã Đak Djrăng), Công ty TNHH MTV Lợi Điền đã sử dụng hơn 52 ha đất để trồng mì, bắp và tiêu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép; tuy vậy, huyện Mang Yang vẫn không xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, nhiều diện tích đất khác của Công ty Chè Ayun cũ cũng bị người dân rào chắn, chiếm dụng trái phép để trồng cà phê, tiêu, bắp, mì và xây dựng nhà ở... 

Qua kiểm tra của UBND huyện Mang Yang, có hàng chục căn nhà do người dân xây dựng trái quy định; nhiều diện tích đất bị sang nhượng trái phép hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác, trái với chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.

Cùng với sự lãng phí đất đai ở Công ty Chè Ayun, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang cũng có hàng chục hộ dân lấn chiếm đất làm nhà ở với trên 3.000m² thuộc địa bàn xã Đăk Yă. Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra có hơn 43,7 ha đất bị lấn chiếm canh tác; tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa có nhiều diện tích bị lấn chiếm trái phép như tiểu khu 496 bị lấn chiếm trên 155,15 ha, tiểu khu 499 bị xâm chiếm hơn 66,2 ha...

Trong khi đó, nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép để xây nhà ở nhưng vẫn được UBND huyện Mang Yang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất với diện tích trên 4.300m2. UBND huyện Mang Yang còn cấp trùng 60 giấy CNQSD đất của các hộ gia đình trên đất lâm nghiệp. Cụ thể, tại xã Đăk Djrăng có 44 giấy CNQSD đất trên diện tích hơn 29,3 ha; tại xã Đăk Ta Ley có 9 giấy CNQSD đất cấp chồng trên diện tích rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang...

Cuối tháng 9/2015, PV Báo CAND đã nhiều lần liên hệ để làm việc về thực trạng nêu trên nhưng ông Nguyễn Như Phi, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang chỉ hẹn lần lữa, còn Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thì chốt chặt: “Tất cả phương án xử lý đất đai xung quanh Công ty Chè Ayun còn chờ tỉnh Gia Lai giải quyết!”. Tương tự, PV Báo CAND cũng liên hệ với lãnh đạo Công  ty Cổ phần Việt Mông nhưng một vị Phó Tổng giám đốc đã tha thiết “xin khất” vô thời hạn; dù chúng tôi đã khẳng định đến làm việc với tinh thần xây dựng, hơn nữa, PV đã có đầy đủ tài liệu, báo cáo từ chính công ty này và các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành và Quốc hội.

Một khu đất thuộc Công ty Cổ phần Việt Mông (Ba Vì, Hà Nội) trở thành nơi an cư, canh tác của các hộ dân.

Ôm khoản nợ trên 18.000 tỉ đồng

Thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, cả nước có 442 nông lâm trường quốc doanh được sắp xếp lại thành 408 công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lí rừng với diện tích đất quản lí hơn 4 triệu ha. Mặc dù được giao nguồn lực rất lớn về đất đai song hầu hết các nông lâm trường đều hoạt động kém hiệu quả. 

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay, tổng giá trị tài sản của các công ty nông nghiệp là 39.773 tỉ đồng (trong đó riêng tài sản của Tập đoàn Công nghiệp cao su là 32.326 tỉ đồng). 

Khảo sát tại 125 nông trường, chỉ có 95 nông trường có lãi, còn lại 30 nông trường thua lỗ với số tiền 16 tỉ đồng. Các khoản nợ nông trường phải trả lên tới 16.569 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của các công ty lâm nghiệp chỉ là 3.905 tỉ đồng nhưng phải gánh khoản nợ lên tới 1.833 tỉ đồng. Sau sắp xếp, có tới 22,2% công ty lâm nghiệp thua lỗ với khoản lỗ bình quân mỗi công ty là 766,6 triệu đồng. Theo báo cáo của 45 công ty lâm nghiệp chủ yếu kinh doanh rừng tự nhiên, doanh thu bình quân của 1 công ty chỉ đạt 12,7 tỉ đồng, lợi nhuận bình quân 1,09 tỉ đồng; trong đó có 3 công ty thua lỗ và 28 công ty (chiếm trên 62%) có lợi nhuận chỉ dưới 1 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Lịch – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lí đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, hiện nay, ngoại trừ các công ty cao su, cà phê, số còn lại đều hoạt động kém hiệu quả. “Chúng tôi đã đi khảo sát một số lâm trường ở Tây Nguyên, phần lớn đều hết sức khó khăn. Trước nay, các lâm trường chủ yếu sống bằng việc khai thác gỗ nhưng từ năm 2013, Chính phủ “đóng cửa rừng”, lâm trường không được khai thác nữa nên nhiều nơi không có tiền lương trả cho nhân viên” – ông Lịch nói.
Duy Hiển – Ngọc Như – Hà Ly – Vũ Hân
.
.
.