Vụ phá rừng nghiêm trọng nhất Bình Định:

Hàng loạt cây gỗ dổi cổ thụ trong khu vực cấm bị đốn hạ

Thứ Bảy, 12/11/2016, 08:15
Hàng loạt cây gỗ dổi, nhóm III nằm trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.


Ngày 9-11, chúng tôi đã tiếp cận được hiện trường khai thác gỗ trái phép kể trên. Hiện trường cho thấy, đã có 13 cây gỗ dổi có đường kính từ 40 - 79cm ở khoảnh 2, khoảnh 4, tiểu khu 183, xã Vĩnh Hảo bị chặt hạ không thương tiếc; trong đó, ở khoảnh 2, tiểu khu 183 có 10 cây và ở khoảnh 4, tiểu khu 183 có 3 cây. 13 cây gỗ dổi bị cưa hạ trái phép này có số lượng gỗ lên tới 42,5m3. 

Đáng nói, sau khi chặt hạ, các đối tượng lâm tặc đã cưa xẻ một số, vận chuyển đi nơi khác. Số gỗ còn sót lại chưa cưa xẻ với số lượng kiểm đếm 22 lóng gỗ tròn có khối lượng 22,6m3 và 2 tấm gỗ xẻ có khối lượng 0,284m3. Điều đặc biệt là địa điểm xảy ra phá rừng chỉ cách tỉnh lộ 637 chừng 100m. 

Hiện trường cũng cho thấy, gỗ bị lâm tặc xẻ ra từng phách, đặt nằm lăn lóc quanh các thân cây gỗ dổi bị đốn hạ.

Trao đổi với ông Trần Phước Phi, Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Cuối tháng 9 vừa qua, qua công tác tuần tra, kiểm soát, chúng tôi nhận thấy khu vực rừng trên không có dấu hiệu bị xâm hại. Tuy nhiên, sau đợt kiểm tra vào đầu tháng 10, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ đã phát hiện có 13 cây gỗ dổi ở khoảnh 2, khoảnh 4, tiểu khu 184 bị cưa hạ”.

Những cây gỗ dổi bị chặt hạ còn ngổn ngang trong rừng.

Ông Trần Văn Hóa, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo đơn vị tổ chức cuộc họp, yêu cầu những người có liên quan tường trình sự việc và kiểm điểm trách nhiệm. 

Qua đó, lãnh đạo đã quyết định cách chức Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ đối với ông Huỳnh Ngọc Sơn Hà và điều chuyển công tác đối với ông Nguyễn Mạnh Thương, cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ; đồng thời, điều động ông Nguyễn Xuân Thạch, phân công làm Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ.

Liên quan đến vụ việc này, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho hay, đây là vụ phá rừng quá nghiêm trọng với quy mô lớn, không loại trừ khả năng phá rừng có tổ chức. Các đối tượng lâm tặc rất liều lĩnh, quá tự tin để phá rừng. 

“Hơn nữa, qua công tác điều tra ban đầu, Hạt cũng nhận thấy vụ khai thác gỗ trái phép này có tính chất phức tạp, có dấu hiệu hình sự. Hiện nay, Hạt đang phối hợp với Công an huyện Vĩnh Thạnh và ngành chức năng có liên quan tiếp tục điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm”.

Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho hay: “Vụ phá rừng kể trên nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định. Bởi, trước đây, cũng xảy ra trường hợp chặt hạ cây gỗ có đường kính lớn từ 50 - 60cm trở lên nhưng chỉ lẻ t ẻ một vài cây; còn số lượng 13 cây dổi có đường kính lớn bị chặt hạ cùng một lúc như thế này thì đây là trường hợp đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh. 

Nhận thấy đây là vụ phá rừng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, chúng tôi đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh phối hợp với Công an huyện Vĩnh Thạnh và UBND xã Vĩnh Hảo điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng vi phạm để xử lý”.

Để ngăn chặn các vụ phá rừng tương tự, hiện nay, Hạt Kiểm   lâm huyện Vĩnh Thạnh, BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập chốt kiểm tra bảo vệ rừng cách hiện trường 13 cây gỗ dổi bị cưa hạ khoảng 200m. Nhiệm vụ của tổ chốt chặn này là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, bảo vệ, giữ nguyên hiện trường vụ khai thác gỗ để phục vụ cho công tác điều tra.

Hoàng Nguyên
.
.
.