Hàng chục người mang hung khí đi cướp sò huyết giống

Thứ Sáu, 08/07/2016, 20:00
Bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư vào nghề nuôi sò huyết ở khu vực bãi bồi tỉnh Cà Mau, nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ trắng tay khi sản phẩm họ nuôi đang bị một nhóm người có trang bị hung khí kéo đến khai thác hàng ngày.

Đầu năm 2016, ông Nguyễn Tấn Vĩnh đại diện cho 6 hộ dân ký hợp đồng phối hợp với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, thuê 100 ha (diện tích mặt nước) ở khu vực bãi bồi thuộc xã Lâm Hải, huyện Năm Căn nuôi sò huyết giống và sò thương phẩm. Hợp đồng được ký kết, các hộ dân vay tiền được hơn 5 tỷ đồng mua sò huyết giống thả nuôi từ đầu tháng 3.

Anh Nguyễn Văn Giang đang tận thu lại sản phẩm của mình nuôi sau khi bị nhóm người cướp sạch vào tối 6-7.

Gần bốn tháng thả nuôi, sò huyết đạt trọng lượng từ 500 – 1.200 con/kg, khi chuẩn bị di dời ra khu vực nuôi sò thương phẩm, thì bị một nhóm người có trang bị hung khí ngang nhiên kéo đến khai thác hàng ngày.

Theo ông Nguyễn Minh Có (một trong 6 hộ dân nuôi sò), gia đình đã gom hết tài sản được gần 2 tỷ đồng đầu tư vào nghề nuôi sò huyết, nhưng hiện tại người nông dân này đang lo lắng sẽ lâm vào cảnh trắng tay.

Khu vực vèo sò huyết giống của 6 hộ dân tang hoang sau 7 ngày bị cướp, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 7 đến nay, hàng đêm có trên 40 người vào khu vực sò huyết giống để khai thác. Họ mang theo mã tấu, chĩa nhọn nên những người nuôi sò không giám đến gần. Tổng số sò huyết giống bị nhóm người khai thác trái phép trong 7 ngày liên tiếp ước hơn 15 tấn, tương đương 3 tỷ đồng.

“Thấy nhóm người kia cướp trắng trợn tài sản của mình mà chúng tôi không biết làm gì. Hiện chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu đến Chủ tịch UBND tỉnh, Công an và lãnh đạo Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau mà vẫn chưa có kết quả” - ông Lê Văn Tươi, người đầu tư hơn 2 tỷ đồng ngậm ngùi.

Lợi dụng vùng nuôi rộng, nhóm người khai thác trái phép trang bị đèn pin, vợt súc, máy hút, rồi chia thành nhiều nhóm đi trên vỏ lãi đến khai thác từ 21h đến 0h hàng đêm, đặc biệt họ sẵn sàng tấn công lại chủ nuôi.

Sau 3 tháng thả nuôi, sò huyết giống đạt trọng lượng từ 500 – 1.200 con/kg, nhóm người khai thác trái phép bán giá 700.000 1/kg cho thương lái địa phương.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, bảo vệ khu vực vèo sò huyết giống cho biết, tối 3-7, anh cùng một người bạn ở chòi canh thì có 4 người đi trên vỏ lãi áp sát chòi, với ý định lên chòi khống chế, không cho anh gọi điện thông báo với chủ nuôi.

“Tôi và người bạn dùng gậy gỗ kháng cự quyết liệt, 4 thanh niên kia tuy có cầm mã tấu nhưng không lên được chòi. Sau đó có hơn 10 vỏ lãi chở theo nhiều người đến dọa dùng bom xăng đốt chòi. Họ ép chúng tôi chỉ ra khu vực vèo sò, sợ nguy hiểm đến tính mạng nên chúng tôi phải chỉ điểm có sò huyết giống cho họ khai thác”- anh Tùng nói.

Theo hợp đồng ký kết, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có trách nhiệm thành lập và quản lý tổ bảo vệ để hỗ trợ cho các hộ dân trong công tác bảo vệ tài sản của mình, đồng thời được hưởng 5% tổng sản lượng sò huyết sau thu hoạch.

Trước việc hộ nuôi bức xúc vì sự lơ là của lãnh đạo Vườn Quốc gian Mũ Cà Mau trong công tác phối hợp, ông Lý Hồng Thao, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nói: “Do khu vực nuôi quá lớn, trong khi lực lượng bảo vệ ít nên rất khó quản lý. Chúng tôi đã làm việc với Công an xã Lâm Hải và Công an huyện Năm Căn để tìm phương án giúp các hộ nuôi”.

Nghề nuôi sò huyết và nghêu giống xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh ven biển miền Tây, vì mang lại lợi nhuận cao. Song song với sự phát triển của nghề này thì nạn cướp nghêu và sò huyết cũng diễn ra rất phức tạp, nó từng là điểm nóng ở Cà Mau và Bạc Liêu. Đã có không ít cuộc đối đầu giữa người nuôi và người khai thác trái phép, máu cũng đã đổ trên các khu vực bãi bồi, và sau thời gian tạm lắng, tình trạng này lại tái diễn.

H.Hoàng
.
.
.