Hạn, mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông lâm thủy sản
- Hạn mặn khiến giá gạo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao
- Hạn mặn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
- Lợi dụng hạn mặn, thương lái đẩy giá tôm tăng vọt
Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%), trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%; khu vực dịch vụ tăng 6,35%; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 0,18%.
Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cùng kỳ các năm 2012 – 2014 (lần lượt là 4,93%; 4,9%; 5,22%) nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), cho biết tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
![]() |
Người dân bơm nước vào đồng chống hạn. |
Đơn cử, xét về mặt sản xuất ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm khu vực này có mức tăng trưởng âm. Nông, lâm nghiệp và thủy sản đã nhiều năm là cứu cánh cho nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng 1997-1999 và 2012-2014, nhưng 6 tháng 2016 đã làm giảm 0,55% tăng trưởng.
Theo đó, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3081,5 nghìn ha, giảm 31,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 62,9 tạ/ha, giảm 3,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2015; sản lượng đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn. Sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay giảm so với vụ đông xuân trước cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82% thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,2%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương mức tăng của cùng kỳ 2015. Ngành sản xuất và phân phối điện và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng khá tốt với mức tăng tương ứng là 11,7% và 8,1%. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,8%.
Khu vực dịch vụ vẫn là điểm sáng bức tranh GDP khi 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm xã hội tăng 6,1%; thông tin và truyền thông tăng 8,76%,... Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77% là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2016 là 6,7%, ông Lâm cho rằng, 6 tháng cuối năm 2016, GDP cần tăng khoảng 7,6%, đây là mức tăng trưởng cao, nhất là trong bối cảnh năm 2016 còn nhiều khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên ảnh hưởng này sẽ không lớn.
Giai đoạn 2017-2020, nếu các khó khăn được tháo gỡ, các giải pháp của Chính phủ được các cấp, các ngành thực hiện tốt, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, kinh tế thế giới phục hồi… sẽ tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Tổng cục Thống kê cũng đưa ra một số giải pháp khắc phục khó khăn. Như, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khẩn trương đề ra các giải pháp và triển khai thực hiện để ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khắc phục các khó khăn.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, như: du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…