Hà Nội chốt thời gian cho học sinh đi học trở lại

Thứ Hai, 27/04/2020, 18:10
Chiều 27/4, chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với các quận huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, sẽ tăng cường xử phạt người không đeo khẩu trang khi ra đường và cân nhắc không cho các cửa hàng không thiết yếu mở cửa trước 9h sáng.

 


Hai ngày nữa, Hà Nội sẽ quyết định thời gian học sinh đi học trở lại

Tại phiên họp,  Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Chử Xuân Dũng báo cáo, về bảo đảm chất lượng giáo dục khi học sinh chưa đến trường, Sở đã có văn bản hướng dẫn đến các trường về học online, triển khai học trên truyền hình, hướng dẫn sử dụng học online, nội dung tinh gian kiến thức để hoàn thành chương trình học kỳ 2...  

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD&ĐT chuẩn bị mọi điều kiện cho học sinh quay trở lại trường. “Đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT sớm trình lên TP để thảo luận đi đến quyết định, nhưng tinh thần đến mùng 4/5 sẽ mở cửa trở  lại với tất cả các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, THPT, THCS. Còn quyết định liên quan mẫu giáo  và cấp 1 thì chiều thứ 4 (ngày 29/4) chúng tôi trả lời. Chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện như nước sát khuẩn, nhiệt kế điện tử. Tuyên truyền  cho giáo viên nắm chắc công tác phòng chống dịch”, Chủ tịch UBND TP nói.

Liên quan đến việc kiểm soát tình hình tại 2 ổ dịch chưa qua 28 ngày ở Thủ đô, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, 2 ngày qua, huyện xác định thêm có 7 ca nghi ngờ đều ở thôn Hạ Lôi, đã được lấy mẫu xét nghiệm. Đối với hoạt động cách ly, huyện đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Xã Mê Linh vẫn nghiêm túc khoanh vùng cách ly y tế. Trong giai đoạn này, huyện xác định người dân có thể lơ là nên đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt trường hợp vi phạm. Huyện Mê Linh kiến nghị nếu từ nay đến 5/5, nếu huyện không có ca mắc mới, đề nghị Thành phố cho tháo dỡ vùng cách ly.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế nhận định, Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, mặt khác, tới đây, có các chuyến bay đưa người Việt Nam trở về nước, do vậy không thể chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch với 2 nhiệm vụ: phát hiện kịp thời ca bệnh xâm nhập để cách ly, điều trị và kiểm soát không để phát sinh ca nhiễm mới tại cộng đồng. Đại diện Sở Y tế cho biết mấy ngày qua, người dân lại đổ ra đường, tụ tập đông người, nhiều trường hợp không đeo khẩu trang; các quán ăn sáng số lượng người đông, không đảm bảo giãn cách…

Hà Nội tăng cường xử phạt người không đeo khẩu trang khi ra đường.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thông tin, TP sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Ngoài ra, TP cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường; xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ quy định; hướng dẫn người dân không tụ tập đông người ở nơi công cộng để phòng, chống dịch...

 Nghiên cứu quy định các cửa hàng không thiết yếu sau 9h sáng mới mở cửa

Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, các địa bàn nghiêm túc thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 19 của Thủ  tướng: “TP đang soạn thảo văn bản chi tiết để thực hiện hướng dẫn, cố gắng chiều ngày kia (29/4) giao ban sẽ đưa nội dung này ra. Huyện Mê Linh sẽ thực hiện chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng đến hết ngày 5/5, hết 28 ngày sẽ gỡ lệnh phong toả”. 

Chủ tịch UBND TP đề nghị tất cả mọi người thực hiện nghiêm túc, tuyên truyền phường xã và tổ dân phố, ban quản lý toà nhà, tiếp tục đi kiểm tra đôn đốc, tuyên truyền để cho mọi người dân phải  thực hiện nghiêm túc các công tác phòng chống dịch. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu phải chuẩn bị các điều kiện để xét nghiệm, phải đảm bảo yêu cầu TP có công suất  và có năng lực xét nghiệm từ  3.000-5.000 mẫu PCR trong 1 ngày. Việc thực hiện chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, theo đồng chí Nguyễn Đức Chung, TP đang dự thảo chưa công bố chính  thức, nhưng trên tinh thần qua nghiên cứu  của các chuyên gia, cái đáng lo ngại nhất  của  chúng ta là giao thông trên địa bàn Hà Nội buổi sáng rất đông, khi đứng lại ở đèn xanh đèn đỏ mật độ không thể đảm bảo khoảng cách 1m được, mà chỉ cách nhau 50-60cm, các xe máy đứng chen chúc vào nhau. 
Các cửa hàng không thiết yếu có thể sẽ không được mở cửa trước 9h sáng.

“Chính  vì vậy  TP đang đưa  ra khả năng là tất cả cửa hàng bán liên quan thời trang, mỹ phẩm, những cửa hàng không phải lương thực thực phẩm không thiết yếu, không phải thuốc chữa bệnh thì chúng tôi sẽ giãn ra 9h sáng mới được mở cửa, và khuyến khích sau 9h, còn không giới hạn giờ đóng cửa. Nếu chúng ta làm tốt được cái này thì chúng ta sẽ giảm được mật độ của người tham giao thông từ 6h đến 8h30. Nếu TP ban hành thì tạm thời ban hành đến 31-12-2020. Sau đó tổng kết lại, nếu nó phục vụ tốt cho công tác giãn cách xã hội, giảm ùn tắc giao thông thì chúng ta sẽ thực hiện tiếp”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra phương án. 

“Chúng tôi đang khảo sát xem các cửa hàng này giờ này bán hàng thế nào, vào những giờ này doanh thu rất thấp, cho nên chúng tôi không khuyến khích mở cửa giờ này, TP tới sẽ đưa cơ chế như vậy. Tuy nhiên đây mới là dự thảo và đang lấy ý kiến”, ông Chung phân tích.

Về công tác hỗ trợ cho người dân trong thời điểm dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP đưa ra 4 nhóm được hỗ trợ: người có công, người được bảo trợ  xã hội, người nghèo và cận nghèo. “Chúng ta đã có danh sách rồi thì tiến hành chi trả, cố gắng chi trả trước 30-4. Trong quá  trình tổ chức thì phải mời đại diện của  MTTQ Việt Nam, phường xã, quận huyện tham gia, đại diện HĐND các cấp... tham gia tổ chức giám sát, công khai minh  bạch, đúng đủ đối tượng, không phiền hà. Còn các nhóm khác sẽ chờ hướng dẫn, trên tinh thần sớm xử lý  chế độ chính  sách, sớm đến tay người dân”, Chủ tịch TP yêu cầu. 

Ngọc Yến
.
.
.