Giải quyết tận gốc vấn đề vướng mắc tại bãi rác Nam Sơn
Nguyên nhân ban đầu là do người sân sinh sống quanh bãi rác đã kéo nhau ra chặn, không cho xe chở rác vào bãi. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên dân chặn xe rác. Trước đó, tháng 10-2017, người dân cạnh Khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng chặn xe chở rác nhiều ngày liên tiếp khiến hàng trăm tấn rác tồn đọng khắp thị xã Sơn Tây và các quận, huyện nội thành.
Nhiều tuyến phố Hà Nội ngập rác trong mấy ngày qua. |
Sáng 14-1, người dân đã dỡ lều lán cản trở xe ra vào bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 20 người đang tụ tập và lãnh đạo huyện vẫn đang tiếp tục đối thoại. Tại cuộc họp tại hội nghị giao ban trực tuyến của UBND TP Hà Nội sáng 14-1, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, tính đến thời điểm này đã bước sang ngày thứ tư một số người dân hai xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ chặn xe vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Theo ông Dục, liên tiếp trong ba ngày qua, Phó Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp về đối thoại với dân 3 buổi, qua đó nhận thấy vướng mắc chủ yếu ở vấn đề giải phóng mặt bằng. Ông Dục cũng thừa nhận: "Chúng ta chỉ cầm cự được 3-4 ngày thôi, sang đến những ngày sau sẽ rất khó khăn. 12 quận, huyện hiện đang ngập trong rác thải”.
Chiều 14-1, chúng tôi đã mặt tại bãi rác Nam Sơn. Mặc dù người dân đã tháo dỡ barie nhưng vẫn còn dựng lán và không có ý định cho xe rác đi vào bãi. Ông Nguyễn Quang Huynh, người dân sinh sống tại xã Nam Sơn chia sẻ, đã gần 20 năm nay, cả gia đình ông có 3 thế hệ hằng ngày đều phải hít thứ không khí đặc quánh mùi hôi thối của rác rưởi, các loại vật chất đang phân hủy và thường xuyên mắc các bệnh đường hô hấp.
“Mấy ngày hôm nay chúng tôi chặn xe chở rác cũng là việc cực chẳng đã. Người dân quá bức xúc trước việc ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi rác này”, ông Huynh cho biết. Bà Đỗ Thị Hiểu, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn cũng bày tỏ: “20 năm vừa qua người dân ở xung quanh khu vực bãi rác Nam Sơn đã nhiều lần bày tỏ bức xúc lên chính quyền địa phương, TP về tình hình ô nhiễm.
Mặc dù các cấp chính quyền đã nhiều lần xuống tiếp xúc lấy ý kiến nhưng cho đến nay không có bất cứ một thay đổi nào. Chúng tôi kiến nghị di dời các hộ dân ra khỏi khu vực khu xử lý rác vì họ gặp nhiều bệnh truyền nhiễm và hô hấp. Rất nhiều trẻ em đã phải đi ở nhờ người thân”.
Trao đổi về vấn đề liên quan đến bãi rác Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - ông Vương Văn Bút cho biết, sau khi có công văn của TP, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân. “Đến 2 – 3h sáng nay vẫn tiếp tục vận động. Sáng nay người dân đã gỡ lều lán, tuy nhiên còn khoảng 20 người tiếp tục chặn đường vào khu xử lý rác thải. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, tuyên truyền với người dân”, ông Bút nói.
Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được cuối giờ chiều 14-1, do ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cung cấp, người dân đã giải tán và bãi rác Nam Sơn bắt đầu đi vào hoạt động bình thường. Các xe chở rác đã bắt đầu vận chuyển rác vào để giải phóng rác ra khỏi các quận, huyện. Tuy nhiên, câu chuyện dân chặn xe rác sẽ không chấm dứt nếu người dân chưa được giải quyết những yêu cầu chính đáng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo tiếp theo.
Ngày 13-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành, UBND huyện Sóc Sơn giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội giao, trước ngày 17-1 phải tham mưu, trình Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định giao cho UBND huyện Sóc Sơn thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo ranh giới, chỉ giới quy hoạch vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; Trước ngày 20-1, phải thẩm định xong bản đồ hiện trạng, vùng ảnh hưởng bán kính 500m môi trường theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức phê duyệt, cắm và bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho UBND huyện Sóc Sơn trước ngày 20-2 để làm cơ sở tiến hành việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo quy định. Đối với UBND huyện Sóc Sơn, UBND TP Hà Nội giao, trước ngày 15-1 hoàn thiện hồ sơ đo đạc, hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và trình Sở Tài nguyên và Môi trường và xác nhận; trước ngày 17-1, UBND huyện Sóc Sơn phải nộp hồ sơ gửi Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m; tổ chức triển khai cắm mốc giới thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trước ngày 15-2. Và, trước ngày 30-3, UBND huyện Sóc Sơn phải tiến hành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ từ quý II/2019. Đối với Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND TP Hà Nội giao, trước ngày 30-1, phải hoàn thành việc chấp thuận ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. |