Chợ nổi Cái Răng mỗi ngày "hứng" 1 tấn rác

Thứ Sáu, 27/11/2015, 10:08
Tại chợ nổi Cái Răng, các trạm xăng nổi, xưởng sửa máy nổi, tiệm may nổi… trở thành yếu tố hạn chế luồng lạch, gây mất an toàn giao thông thủy. Ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 1 tấn rác trực tiếp thải xuống lòng sông.


Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) là điểm du lịch nổi tiếng của Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thời gian qua, chợ nổi Cái Răng bị “tấn công” bởi rác thải, tình trạng phóng uế bừa bãi, mất an toàn giao thông, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên sông… phần nào làm mất đi hình ảnh đẹp của chợ nổi trong lòng du khách. UBND quận Cái Răng (TP Cần Thơ) vừa lập dự án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” để “cứu” điểm du lịch nổi tiếng vùng sông nước miền Tây.

Cảnh buôn bán buổi sáng tại Chợ nổi Cái Răng.

Xả 1 tấn rác/ngày

Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào đầu thế kỉ XX, đến nay đây là 1 trong những chợ nổi nổi tiếng không chỉ ở ĐBSCL mà được thế giới biết đến. Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn chợ nổi Cái Răng là 1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Trang www.youramazingplaces.com đưa chợ nổi Cái Răng vào danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á. 

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhận định: “Tôi đã từng đi chợ nổi Bangkok (Thái Lan), ở đây người ta làm chợ nổi “giả”, người dân cũng tụ tập trên sông nhưng chỉ bán hàng hoá cho du khách, không trao đổi hàng hoá với nhau. Còn chợ nổi Cái Răng hình thành do thương hồ nhiều nơi tụ tập đến đây, họ có mua bán hàng hoá với nhau và bán cho du khách”.

Theo khảo sát của Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ với khách du lịch quốc tế thì có 51% rất thích cảnh quan độc đáo của hoạt động mua bán trên sông. Tuy nhiên hiện nay, chợ nổi Cái Răng đang đối mặt nhiều nguy cơ làm mất đi nét đẹp vốn có. 

TS Đào Ngọc Cảnh (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Cần Thơ) nhận xét: “Do đường bộ ngày càng phát triển nên hoạt động giao thương trên chợ nổi có phần giảm sút. Tại chợ nổi Cái Răng, các trạm xăng nổi, xưởng sửa máy nổi, tiệm may nổi… trở thành yếu tố hạn chế luồng lạch, gây mất an toàn giao thông thủy”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở chợ nổi Cái Răng càng trở nên trầm trọng khi người dân và du khách trực tiếp trên sông. Thậm chí nhiều thương hồ neo đậu ghe, thuyền tại đây đã phóng uế bừa bãi trước mặt du khách. Ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 1 tấn rác trực tiếp thải xuống lòng sông. Tại chợ nổi có các dịch vụ như: ghe bán đồ ăn, ghe bán nước uống, cà phê… nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm và lây truyền bệnh qua đường ăn uống…

Bán thức ăn ở chợ nổi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh.

Giữ “hồn” cho chợ nổi

Trước thực trạng trên, UBND quận Cái Răng xây dựng đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” do Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ thực hiện với 3 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên hiện trạng chợ nổi hiện nay. Phương án 2 là bảo tồn kết hợp giữa nguyên trạng và có can thiệp sắp xếp điều chỉnh. Phương án 3 sẽ di dời, xây dựng các công trình phao neo đậu, thành lập đơn vị quản lý chợ nổi. Trong đó, phương án 2 được Viện Kinh tế - Xã hội lựa chọn. Theo đó, sẽ quy hoạch có từ 300-400 chiếc ghe tàu neo đậu mua bán trên chợ nổi và đầu tư hơn 63,5 tỉ đồng xây thêm các công trình như: cầu tàu, du thuyền, phao phân luồng, nhà vệ sinh, ghe gom rác, trạm dừng chân, nhà hàng nổi ven sông…

Chợ nổi Cái Răng mỗi ngày xả 1 tấn rác.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc đầu tư nhiều công trình sẽ làm mất đi vẻ mộc mạc vốn có trên chợ nổi và có những công trình không cần thiết. Ông Dương Văn Bé, một cán bộ hưu trí tại quận Cái Răng nói: “Chợ nổi có làm 2 nhà vệ sinh nhưng không ai đi và toàn phóng uế trên sông. Khách du lịch nước ngoài thấy cảnh tượng đó thì thốt lên rằng “khủng khiếp quá!”. Theo ông Lê Thanh Phong, cần tính toán kĩ việc đầu tư các công trình trên sông, khi thực hiện đề án trên cần tôn trọng nguyên tắc độc đáo, hấp dẫn, duy nhất và phải nguyên bản, giữ lại cái “hồn” vốn có của chợ nổi. Ngoài ra, cần tuyên truyền để thương hồ trên sông nhận thức và có kĩ năng làm du lịch và vệ sinh môi trường.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói: “Phải đầu tư sọt rác cho các phương tiện neo đậu trên chợ nổi. Người dân có rác thì bỏ vào sọt, đợi phương tiện của công trình đô thị đến lấy. Như vậy, vấn đề rác thải sẽ được xử lý”. UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu UBND quận Cái Răng và Viện Kinh tế-Xã hội điều chỉnh lại phương án cho phù hợp.

Không bảo tồn, chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất

Cách đây vài chục năm, nhóm họp chợ nổi Cái Răng có từ 500 – 600 tàu, ghe, đến nay chỉ còn khoảng 350 - 400 tàu, ghe. Về lý thuyết, nếu mỗi năm chợ nổi giảm 20- 30 tàu, ghe thì đến năm 2035 - 2040 chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng này rất có thể xảy ra bởi phương thức thương lái bao tiêu, mua trái cây tại vườn, đang là xu thế mạnh, cộng với sự hoàn thiện các mạng lưới giao thông bộ. Để níu giữ thương hồ, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo quận Cái Răng miễn phí neo đậu trên sông cho các phương tiện. Đồng thời, miễn giảm học phí cho con em các chủ phương tiện để họ yên tâm mua bán.

Văn Vĩnh – Như Anh
.
.
.