Gần 1 triệu thí sinh bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia

Thứ Tư, 01/07/2015, 06:21
Hôm nay (1/7), 957.529 thí sinh trong cả nước bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia; đạt tỷ lệ 95%. Toàn quốc có 99 cụm thi, 1.671 điểm thi và 34.840 phòng thi.
 >> Ghi nhanh tại các điểm dự thi THPT Quốc gia: Hồ sơ ảo giảm mạnh

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, do kỳ thi năm nay kết hợp cả hai mục đích (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ) nên thí sinh “ảo” giảm mạnh. Sai sót về giấy tờ, thủ tục cũng không có nhiều. Các hội đồng thi, cụm thi đều tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.

Tại Hà Nội, nơi có 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, buổi làm thủ tục dự thi cho thí sinh diễn ra khẩn trương, suôn sẻ, tạo điều kiện cho thí sinh sớm trở về nhà, không phải chịu cảnh thời tiết nắng nóng. Trao đổi với phóng viên, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Cụm thi số 2 Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, tổng số thí sinh khi tiếp nhận hồ sơ là 11.950, trong đó có 31 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, có 2.053 thí sinh tự do.

Tỷ lệ hồ sơ của Hà Nội là 68,3%, Nam Định là 28,1%, các địa phương khác là 3,6%. Tỷ lệ của 8 môn thi thí sinh đăng ký: Toán 99,6%, Ngoại ngữ 87%, Ngữ văn 90%, Vật lý 63,8%, Hóa học 57,2%, Địa lý 26,4%, Sinh học 21%, Lịch sử 9,5%. Sáng 30/6, tại cụm thi số 2 trong tổng số 11.950 em đăng ký dự thi có 11.705 thí sinh đến làm thủ tục, số thí sinh vắng mặt là 245, chủ yếu là thí sinh tự do. Kỳ thi THPT quốc gia đối với trường Đại học Kinh tế Quốc dân có nhiều thuận lợi. Do là kỳ thi có nhiều môn được sử dụng để xét tuyển tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên giúp cho trường giảm bớt được áp lực.

Đối tượng hầu hết là học sinh phổ thông có mục đích lấy kết quả để xét tốt nghiệp, hoặc đồng xét tốt nghiệp và tham dự tuyển sinh đại học, cao đẳng nên sẽ ít thí sinh ảo. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định, do có nhiều môn tự chọn, nên số lượng thí sinh các buổi thi không giống nhau. Có điểm thi sử dụng hết 8 buổi thi, có điểm thi chỉ thi 4 buổi không liên tục, nên việc chuẩn bị các loại danh sách, điều động cán bộ và có phương án đảm bảo công việc chuẩn xác là việc không hề dễ.

Thí sinh tại cụm thi ĐH Công nghiệp Hà Nội trong ngày làm thủ tục dự thi.

Tại cụm thi do ĐH Công nghiệp Hà Nội chủ trì, ông Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm nay có nhiều điểm giám thị cần lưu ý, nhấn mạnh hơn cho thí sinh. Cụ thể: Nếu như những năm trước, thí sinh làm thủ tục phòng nào sẽ thi ở phòng đó và chỉ thi một phòng trong các buổi, thì năm nay, có thể có thí sinh sẽ phải di chuyển phòng thi. Ví dụ: Tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, buổi sáng có 4.000 học sinh thi Toán, nhưng số lượng thí sinh thi Ngoại ngữ buổi chiều lên tới 7.000. “Do kỳ thi đổi mới, thí sinh đến dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào đại học nên không có ảo” – ông Bổng cho hay

Năm nay số lượng thí sinh có sai sót thông tin phải chỉnh sửa không nhiều, vì sau khi các trường lên dữ liệu, Bộ GD&ĐT đã công bố trên mạng và cho thí sinh sửa. Nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện tối đa cho cho thí sinh chỉnh sửa thông tin.

Trường Đại học Bách khoa được Bộ GD&ĐT giao chủ trì tổ chức cụm thi số 1 với tổng số 15.386 thí sinh đăng ký dự thi. Cụm thi số 1 do trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì được tổ chức 4 điểm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên. Tổng cộng có 1142 cán bộ viên chức của 3 trường được điều động tham gia công tác coi thi, trong đó có 759 cán bộ thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, 199 cán bộ thuộc Đại học Xây dựng và 184 cán bộ thuộc Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Trong buổi sáng ngày 30/6 đã có một số thí sinh bị sốt xuất huyết, đau ruột thừa.

Tại ĐH Thủy lợi, GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi, Chủ tịch hội đồng thi cho biết, tổng số thí sinh dự thi là gần 16.000 em, trong đó đông nhất là môn Toán với hơn 14.800 thí sinh. Trong buổi sáng nay đã có một số phụ huynh đến báo việc thí sinh bị ốm. Hội đồng thi đã hướng dẫn phụ huynh làm các thủ tục cần thiết và điều kiện để xét miễn thi tốt nghiệp cho thí sinh. Ông Kim khuyên thí sinh nên cẩn trọng trong các buổi thi, để tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc là bị đình chỉ thi. Nếu bị đình chỉ thi ở bất kỳ môn nào, các em sẽ không được xét tốt nghiệp, cũng như dùng kết quả để xét tuyển vào đại học…

Ghi nhận tại điểm thi số 2 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (phường 4, quận 5, TP Hồ Chí Minh) thuộc Hội đồng thi ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh đã tới đây từ 6h sáng trong tâm thế sẵn sàng. Rất đông phụ huynh đã túc trực chờ con làm thủ tục và được các sinh viên tiếp sức mùa thi (TSMT) tại đây hướng dẫn tập trung đứng tại khu vực riêng, không gây mất trật tự, như ngồi trên vỉa hè, ngồi trên xe máy gây ùn tắc giao thông như mọi năm. 

Sinh viên TSMT chỉ dẫn cho từng thí sinh ngay khi bước chân vào điểm thi. Có 3 thí sinh tại đây bị nhầm địa điểm thi từ THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) sang. Đội trưởng của nhóm TSMT tại đây nhanh chóng cho 3 TSMT trong tổ xe ôm chở các thí sinh này tới nơi an toàn. Tại điểm thi này luôn túc trực từ 8 tới 15 bạn đảm đương nhiệm vụ “xe ôm”, cùng 10 chiếc xe máy đã xếp sẵn tại một góc hè đường trước cửa điểm thi để kịp thời giúp đỡ thí sinh nào cần. Xe ôm là “trợ giá” được tính 5.000đ/cuốc 5km. 

Nhóm TSMT cũng đã được tập huấn về sơ cấp cứu phòng khi gặp trường hợp thí sinh nào không may có vấn đề về sức khỏe, sẽ kịp thời xử trí, đồng thời sẽ phối hợp với điểm thi tại chỗ giúp đỡ các bạn này.

Tại điểm thi THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình (điểm thi Cụm thi ĐHQG TP Hồ Chí Minh), một phụ huynh ngụ tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho hay, hai mẹ con chị chở nhau tới điểm thi này khá xa nhà nên phải đi từ 4h sáng. Trong lúc con trai làm thủ tục, phụ huynh này đã liên hệ được một phòng trọ tại khách sạn gần trường với mức giá thuê phòng là 750 ngàn đồng/ngày đêm. Giá cả có vẻ cao nhưng thuê một nơi trọ gần điểm thi trong 4 ngày với tiêu chí yên tâm, an toàn và yên tĩnh cho con tập trung ôn bài và nghỉ ngơi thì chấp nhận được.

Nguyễn Đức Thuận, Đội trưởng đội TSMT tại điểm thi THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ: Dù vất vả, thời tiết TP Hồ Chí Minh đang rất nắng nóng, nhưng 70 sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh có mặt tại đây kể từ khi khởi động chương trình tiếp sức vào 14/6 tới nay, chưa khi nào thấy mỏi mệt. Các bạn làm việc từ sáng sớm tới tận tối mà vẫn vui. Có những bạn, dù nhà ở tận Bình Chánh, Long An, Củ Chi, Hóc Môn, hàng ngày phải chạy xe máy 30km nhưng vẫn có mặt rất đúng giờ. Điểm thi này nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ cắt đường Nguyễn Thị Minh Khai, nơi có khu bùng binh dễ ùn tắc vào giờ cao điểm. 

Sáng 1/7, khi bắt đầu vào ngày thi đầu tiên, Đội TSMT ở đây sẽ bố trí cố định một nhóm bạn đảm nhận công tác phân luồng giao thông, hướng dẫn phụ huynh và thí sinh đi vào đúng đường ưu tiên để vào cổng trường thi cho kịp giờ, một số bạn khác trong nhóm sẽ cùng lực lượng Dân phòng địa phương phối hợp, sẽ chỉ chuyên nhiệm vụ điều tiết giao thông ngay từ phía ngoài lòng đường nếu có ùn tắc. 

Nhóm TSMT tại đây sẽ liên hệ với điểm thi THPT chuyên Lê Hồng Phong để được mượn từ 100-200 chiếc ghế đặt ra bên hè đường cho phụ huynh ngồi đợi thí sinh, hỗ trợ phụ huynh gửi xe máy, tránh việc tụ tập dưới lòng lề đường dễ xảy ra va chạm xe cộ. Điểm TSMT này đã chuẩn bị được hàng ngàn chai nước tinh khiết MywaOne, sữa TH True Milk, phát miễn phí và đủ cho phụ huynh, thí sinh trong cả 4 ngày thi.

Xe chuyên dụng của Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Lâm Đồng và Bộ Công an chở thí sinh đi thi. Ảnh: Kim Ngân.

Sáng 30/6, Công an TP Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo an toàn cho thí sinh đi thi, toàn lực lượng đã triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch; hướng dẫn, cấm các loại xe ben, xe tải lưu thông ở một số tuyến đường vào giờ cao điểm trong thời gian diễn ra thi tốt nghiệp THPT quốc gia, kể từ ngày 1/7 đến ngày 4/7. 

Bên cạnh đó, Công an các quận, huyện phối hợp với các hội đồng thi để đảm bảo tuyệt đối ANTT trước, trong và ngoài phòng thi; đảm bảo TTATGT, trật tự công cộng ở các nút giao thông, các điểm tập trung đông người ở các điểm thi; không cho xe đậu đỗ, bán hàng rong gần khu vực các điểm thi; không để phát tán các tờ rơi quảng cáo quanh khu vực có tổ chức thi…

Cùng với cả nước, sáng 30/6, các thí sinh đến từ Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã có mặt tại các điểm thi thuộc Cụm thi số 27 do Đại học Đà Nẵng chủ trì để tiến hành làm thủ tục dự thi, nghe cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi. 

Trong buổi làm thủ tục dự thi, cụm thi Đại học Đà Nẵng có 897 thí sinh vắng mặt so với 30.898 thí sinh đăng ký dự thi, tỉ lệ thí sinh có mặt đạt 97,1%. GS TS.Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, Đại học Đà Nẵng đã quán triệt đến các cán bộ coi thi phải lưu ý nhắc nhở thí sinh xem phòng thi của mỗi môn thi; vì phòng thi sẽ có sự thay đổi theo môn thi. Thí sinh cần phải photo giấy báo dự thi thành nhiều bản đề phòng trường hợp bị thất lạc, không tìm được đúng phòng để dự thi. Bên cạnh đó, tất cả các điều chỉnh của thí sinh đều được tạo điều kiện chỉnh sửa tại các điểm thi…

Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi này vấn đề đảm bảo an toàn, kỷ cương được đặt lên hàng đầu và Bộ GD&ĐT, các địa phương đã có các giải pháp đồng bộ để phòng ngừa. Với những thí sinh có ý định gian lận thi cử, thi hộ, theo ông Mai Văn Trinh, năm nay, công nghệ phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu rất chuyên nghiệp, có thể kiểm soát được. Ví dụ, 1 thí sinh có 2 bộ hồ sơ ở 2 điểm thi khác nhau thì phần mềm sẽ phát hiện được ngay. Trong thực tế, phần mềm đã kiểm soát được nhiều bộ hồ sơ như vậy. Theo lời khuyên của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, thí sinh có ý định thi hộ thì nên "dập tắt" ngay, nếu không sẽ vi phạm và ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện và trọng tâm cả ba khâu coi thi, chấm thi và xét tuyển.
T.Phương - H.Nga - K.Ngân
.
.
.